Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 7 năm 2020

  • 13-05-2021
  • /
  • Đoàn Thanh Niên
  • 4054
  • Tài liệu sinh hoạt chi đoàn
Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 7 năm 2020

BÁC HỒ VỚI THƯƠNG BINH LIỆT SỸ

“Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”.

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình, ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được Nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Sinh thời là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo Nhân dân ta kháng chiến và kiến quốc, nhưng hàng năm cứ đến ngày 27 tháng 7, “Ngày Thương binh, liệt sĩ” Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, ai cũng cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ.

Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi, Bác viết:

“Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến.

Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.

Cách đây 70 năm, trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, 17/7/1947, Bác nói về ý nghĩa cao cả của ngày 27 tháng 7. Đó là “Một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Bác là người đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” với những việc làm rất cụ thể. Bác khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh, v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Thương binh hỏng mắt ở Hà Nội (ngày 11-2-1956). Ảnh tư liệu

Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Chính Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127.00đ).

Đặc biệt, nhân ngày 27 tháng 7 hàng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.

Tháng 9/1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không?

Câu chuyện chiếc điều hoà nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Người.

Một lần Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Hôm đó, trời nóng, khi đến thăm anh chị em thương binh nặng phải nằm bất động, Bác vừa hỏi chuyện vừa cầm chiếc quạt giấy của mình quạt cho anh em. Trên đường về, Bác rất xúc động.

Chiếc điều hoà nhiệt độ là quà của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác. Lúc đó, Bác đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện trong Phủ Toàn quyền. Ngôi nhà có trần thấp, buổi trưa và buổi chiều rất nóng (lúc này Bác chưa chuyển sang Nhà sàn).

Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ:

“Chiếc máy điều hoà nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi”.

Ngay chiều hôm đó, chiếc máy điều hoà nhiệt độ trong phòng của Bác được chuyển đi.

Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.

Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người đã kinh qua chiến đấu.

Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang Nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ngày nay được sống trong cảnh đất nước thanh bình, chúng ta càng nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh và liệt sĩ. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa, như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ, v.v..

Việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi.

Nguồn: Trang tin điện tử Bảo tàng Hồ Chí Minh

NỮ ANH HÙNG – BÁC SĨ ĐẶNG THÙY TRÂM

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh tại Huế nhưng lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình tri thức. Bố chị là ông Đặng Ngọc Khuê, bác sĩ ngoại khoa; mẹ chị là bà Doãn Ngọc Trâm, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tuổi thơ của chị trải qua thời kỳ khốn khó trong những năm kháng chiến. Tháng 4/1952, chị được kết nạp vào Đội Thiếu niên tháng Tám. Năm 1958, chị cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, vào học cấp 3 tại trường Chu Văn An. Năm 1961, nối nghiệp gia đình, Đặng Thùy Trâm thi đỗ vào Đại học Y Khoa.

Tháng 6/1966, được nhà trường cho tốt nghiệp sớm một năm. Ngay lúc đó, Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam, nơi những chiến sĩ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.

Tháng 3/1967 chị vào đến Quảng Ngãi, được phân công phụ trách Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ngày 27/9/1968, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người yêu thích văn học, Thuỳ Trâm đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách của các nhân vật lý tưởng trong văn học như Pavel Korchagin trong ‘Thép đã tôi thế đấy’, Ruồi trâu…. Đó là những nhân vật mà chất lý tưởng luôn rừng rực trong trái tim thanh xuân của họ.

Đặng Thùy Trâm đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: ‘…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, … để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người’.

Với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi – thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở…

Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.

Nhật ký đơn thuần chỉ là ghi chép hàng ngày của mỗi người, nhưng những bức thư chị viết trong thời gian công tác ở đây trong ‘Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm’ lại chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào, cho Tổ quốc. Chị quan niệm ‘… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này’.

Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Khi đứng lớp giảng bài cho học sinh của lớp y tá sơ cấp, xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập, chị đã tâm sự: ‘Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được’.

Đặc biệt, chị dành cho thương binh một thứ tình cảm như người thân ruột thịt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng… Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết: ‘… Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình’. Và biểu hiện cao nhất của Đặng Thùy Trâm về tình đồng đội là chị xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình.

Ngày 22/6/1970, Trạm xá Đức Phổ bị lính Mỹ tập kích. Chị Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh.

Đặng Thùy Trâm đã ngoan cường chiến đấu như tinh thần của Mariuyt, của Gavơrốt trên chiến lũy thành Paris mà chị từng ngưỡng mộ. Chị và thế hệ cầm súng của chị mãi mãi toả sáng tuổi 20 khi mà chị viết: ‘Cuộc đời Thuỳ là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ, xin Thuỳ hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng’.

Bác sĩ, Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là tác giả 2 tập nhật ký được viết từ ngày 8/4/1968, khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ, cho đến ngày 20/6/1970, 2 ngày trước khi hy sinh. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ hơn 30 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4/2005. Sau đó, nhật ký được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành sách, được xuất bản tại Hà Nội trong năm 2005. Tác phẩm có tên là ‘Nhật ký Đặng Thùy Trâm’ (NXB Hội Nhà Văn Việt Nam). Sách đã lay động lương tâm nhiều người, nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi Việt Nam.

Tên chị được đặt cho một trạm xá tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cũng như được đặt thay thế cho ngõ 477 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, tên một phố tại thành phố Hạ Long,…

Bộ phim Đừng Đốt do Đặng Nhật Minh làm đạo diễn được dựng lên từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm, trong đó chị là nhân vật trung tâm của bộ phim.

Tên chị được đặt cho một con đường ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh

Tên chị vừa được đạt cho một con đường tại Quận Bình Thạnh.

Trục đường 30m (từ đường song hành tuyến đường sắt Bắc – Nam đến đường ven sông Vàm Thuật) được đặt tên đường Đặng Thùy Trâm.

TỔNG HỢP

THEO DÒNG LỊCH SỬ

  • 2-7-1976: Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • 11-7: Ngày Dân số thế giới.
  • 15-7-1950: Ngày truyền thống thanh niên xung phong.
  • 17-7-1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
  • 20-7-1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ.
  • 24-7-1968: Ngày Chiến thắng Đồng Lộc.
  • 27-7-1947: Ngày thương binh, liệt sĩ Việt Nam.
  • 28-7-1929: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

15/7/1950: NGÀY TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG

“Thanh niên xung phong là một biểu tượng sáng ngời của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng mở đầu cuộc cách mạng tháng tám vĩ đại năm 1945.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng thanh niên xung phong nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, đã góp phần cống hiến quý báo vào thắng lợi huy hoàng, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, thực hiện ước mơ của bao thế hệ người Việt Nam”.

(Phạm Văn Đồng – trích trong tập sách “Thanh niên xung phong- những trang oanh liệt”-NXB, Thanh niên, 1996)

Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung Ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn thanh vận Trung Ương quyết định thành lập đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên Giới. Ban chỉ huy lâm thời của đội gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, uỷ viên ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc là đội trưởng và bí thư chi bộ. Đội có 225 đội viên đầu tiên, được tổ chức thành 3 liên đội.

Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:

  • Đội thanh niên xung phong công tác Trung Ương (15/7/1950)
  • Đội thanh niên xung phong (26/3/1953)
  • Đoàn thanh niên xung phong Trung Ương (12/1963)
  • Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)
  • Lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)
  • Ban thanh niên xung phong – Lao động trẻ (3/1986)

“ Trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Lực lượng thanh niên xung phong đã phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội như tham gia vào các chương trình, dự án: phủ xanh đất trồng trọt, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mắt nước, bãi bồi ven biển, ánh sáng văn hoá, dạy nghề, giới thiệu việc làm…. với ý chí và nghị lực, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắc làm nên.”(Phạm Văn Đồng).

Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Uỷ Ban Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định số 382/TTG quy định lấy ngày 15/5 hàng năm làm ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.

Nhân dịp này, ban chấp hành Trung Ương Đảng đã tặng lực lượng thanh niên xung phong bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên xung phong – Chiến đấu dũng cảm – Lao động sáng tạo – Lập công xuất sắc”.

INFOGRAPHIC 06 BÀI HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

 

TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY THANH NIÊN PHÁT TRIỂN

Luật Thanh niên (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ chín gồm 7 chương, 41 điều. Có nhiều điểm mới của Luật (sửa đổi) so với Luật 2005, và đó cũng chính là những điểm tiến bộ.

Thứ nhất, đó là việc giành toàn bộ chương II với 4 điều để xác định trách nhiệm của thanh niên, bao gồm trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân. Việc xác định trách nhiệm của thanh niên trong Luật không chỉ là sự đòi hỏi, kỳ vọng, mong muốn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với thanh niên mà đó còn là sự định hướng lối sống, văn hoá, những phẩm chất cần có của mỗi thanh niên trong quá trình hoàn thiện, phát triển. Đó cũng là những gợi mở để các tổ chức có liên quan thiết kế, tạo môi trường, điều kiện, cơ chế để thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình.

Thứ hai, Luật đã tiếp cận được các nhóm chính sách thiết yếu thúc đẩy thanh niên phát triển, sát với nhu cầu thực tế của thanh niên. Đó là các chính sách về học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, chăm lo sức khoẻ thanh niên, bảo vệ Tổ quốc… Đây là các nhóm chính sách cần có, cần được cụ thể hóa để tạo môi trường cho thanh niên phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân tốt của đất nước.

Thứ ba, các nhóm đối tượng thanh niên được đề cập trong Luật tập trung hơn, đặc biệt là quan tâm đến các nhóm thanh niên tích cực, có khả năng dẫn dắt, tác động, ảnh hưởng tốt tạo sức lôi cuốn thanh niên tham gia. Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên tài năng được xác định rõ hơn về nội dung chính sách riêng. Luật cũng đã đề cập đến lực lượng thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ tư, các tổ chức của thanh niên như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam đã được quy định các điều kiện thuận lợi để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Đây là môi trường tốt để tập hợp, đoàn kết, phát huy thanh niên và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên tham mưu xây dựng chính sách, giám sát quá trình thực hiện Luật và các chính sách cho thanh niên.

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 6 năm 2020

Bài viết trước

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 6 năm 2020
Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 5 năm 2021

Tin tiếp theo

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 5 năm 2021

Bài viết liên quan

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn
20/05/2021

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn