Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 9 năm 2020

  • 20-05-2021
  • /
  • Đoàn Thanh Niên
  • 4816
  • Tài liệu sinh hoạt chi đoàn
Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 9 năm 2020

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

75 năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập: Quyền con người và quyền của mỗi dân tộc

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định quyền con người, quyền dân tộc trong bản tuyên ngôn độc lập mà còn chứa đựng những giá trị thời đại to lớn.

Cách đây 75 năm, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân, đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong bản Tuyên ngôn bất hủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định quyền con người, quyền dân tộc độc lập mà còn chứa đựng những giá trị thời đại to lớn được coi là bản tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.

Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội là nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên Ngôn Độc lập vào ngày 28 tháng 8 năm 1945. Chỉ với 1 nghìn chữ, được sắp xếp trong 49 câu nhưng đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, sắc bén, có cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập. (Ảnh đồ họa: Quang Huy)

Trong những dòng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại các bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào căn cứ đó, nhưng suy rộng ra quyền con người gắn chặt với quyền dân tộc, quyền tự quyết của dân tộc, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chính vì sự tác động biện chứng đó nên Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng căn cứ pháp lý về quyền con người thành một giá trị mang tính thời đại.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp hai loại quyền rất cơ bản, đó là quyền độc lập của dân tộc và quyền tự do của con người để trở thành một quyền cơ bản của dân tộc. Nội dung, quyền cơ bản của dân tộc đó là độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Câu chuyện đó Bác nói từ năm 1945 nhưng đến 15 năm sau, tức là tháng 12 năm 1960 thì Liên Hợp Quốc mới đưa ra được một Nghị quyết về trao trả độc lập cho các dân tộc và một số năm sau đó nữa, đến tháng 12 năm 1970 thì Liên hiệp Quốc lại tiếp tục có một Nghị quyết để khẳng định là phải thực thi quyền đó”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Trong phần sau của bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh quyền dân tộc bình đẳng mà mỗi người dân Việt Nam có quyền được hưởng như một sự thật hiển nhiên.

Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Quyền được sống trong hòa bình đó là cố gắng nỗ lực đổi bằng xương máu, trí tuệ của lớp lớp thế hệ cha anh. Khi có độc lập tự do thì Bác Hồ nói: “Khi đất nước có độc lập tự do mà nhân dân không được hạnh phúc thì độc lập tự do ấy không để làm gì”. Để thực hiện điều Bác Hồ mong muốn, đó là cả quá trình xây dựng, cố gắng của chúng ta, quá trình học hỏi đi từ những bước này đến bước khác để cuối cùng mang lại cuộc sống tốt đẹp. Đó là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vĩ đại của Đảng, của dân tộc”.

 

Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. (Ảnh: QĐND)

Kết tinh của tinh thần, ý chí và khát vọng độc lập, tự do; kiên trì đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam, ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc.

75 năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có giá trị lý luận và thực tiễn, có sức sống mạnh mẽ trong thời đại ngày nay, nhất là vấn đề về quyền dân tộc và quyền con người.

Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hương, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: "mỗi người dân đều có quyền sống, đều có quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc". Đó cũng là mục đích hướng tới của tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Bên cạnh nhân quyền và để đạt được nhân quyền cho người dân thì Nhà nước, Chính phủ cũng phải có những động thái tương tự. Đó là việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó cũng là quan điểm mà Nhà nước ta đang hướng tới”.

Giáo sư Shigo Shibata, một nhà sử học nổi tiếng của Nhật Bản đã từng đánh giá rằng “cống hiến nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau gần 35 năm đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.

Nguồn: VOV.VN

 

THEO DÒNG LỊCH SỬ

 

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 9 năm 2020, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh về hướng dẫnthực hiện cuộc vận động“Xây dựng chi đoàn mạnh”:

Chi đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là nền tảng đoàn kết, tập hợp, giáo dục thanh thiếu nhi. Mọi chủ trương công tác của Đoàn đều được tổ chức thực hiện ở chi đoàn. Vì vậy, xây dựng chi đoàn mạnh là giải pháp quan trọng để củng cố tổ chức cơ sở Đoàn.

Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Đắk Nông lần thứ III; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hướng dẫn thực hiện cuộc vận động“Xây dựng chi đoàn mạnh”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng chi đoàn mạnh kiểu mẫu là cơ sở để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị và xã hội; thu hút, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên, phát huy cao nhất tính tiền phong, gương mẫu của đoàn viên.

- Không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng chi đoàn; tạo bước chuyển biến về chất lượng tổ chức và hoạt động của các chi đoàn; phát huy vai trò của Đoàn cơ sở trong hướng dẫn, chỉ đạo sinh hoạt chi đoàn.

2. Yêu cầu

- Xây dựng chi đoàn mạnh phải thực hiện thường xuyên, liên tục, chất lượng, không phô trương, hình thức.

- Cán bộ được phân công phụ trách thực hiện phải tận tình, sâu sát, gắn bó với cơ sở và đoàn viên.

- Hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị.

II. NỘI DUNG XÂY DỰNG CHI ĐOÀN MẠNH

1. Về tư tưởng, chính trị

Xây dựng chi đoàn vững mạnh về chính trị và tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, sự đoàn kết, gắn bó và sức chiến đấu của chi đoàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong mỗi địa phương, đơn vị. Cụ thể:

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chính trị, bồi dưỡng lý tưởng, xây dựng niềm tin; tạo môi trường để đoàn viên học tập, rèn luyện và tìm hiểu rõ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Đoàn và nhiệm vụ của đoàn viên.

- Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề có tác động liên quan đến thanh niên. Thông qua đó, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho đoàn viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa “Sống và làm việc theo pháp luật”.

- Tổ chức cho đoàn viên sinh hoạt định kỳ theo các chủ điểm tư tưởng, chính trị phù hợp, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của đoàn viên.

2. Về phong trào, hoạt động

- Xây dựng các chương trình công tác, kế hoạch hoạt động của chi đoàn, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Nội dung hoạt động cần hài hòa giữa phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên, vừa tăng cường chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích, chính đáng của đoàn viên thanh niên (học tập, nâng cao kiến thức; nghề nghiệp và việc làm; tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình; vui chơi giải trí; tự khẳng định mình…).

 - Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương thức hoạt động của chi đoàn, duy trì hoạt động các chi hội, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo sở thích và nhu cầu của đoàn viên thanh niên.

- Thực hiện phân công, giao nhiệm vụ cho từng đoàn viên; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đoàn viên theo hoạt động, theo các kỳ sinh hoạt và hăng năm.

- Đăng ký đảm nhận và tổ chức thực hiện các công trình, phần việc thanh niên phù hợp với lĩnh vực, địa bàn và đối tượng đoàn viên thanh niên.

3. Về tổ chức

- Tổ chức đoàn viên học tập, nghiên cứu 4 bài lý luận chính trị và 02 chuyên đề dành cho cán bộ Đoàn và dành cho đoàn viên, thanh niên bám sát Hướng dẫn số 87-HD/TWĐTN-BTG, ngày 28/03/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc “hướng dẫn học tập chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên”.

- Xây dựng Ban Chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn đủ về số lượng, vững vàng về nghiệp vụ và kỹ năng, có phẩm chất đạo đức, gương mẫu, có phương pháp và khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết thanh thiếu nhi; xây dựng Đoàn cơ sở “3 chủ động” gắn với việc thực hiện nguyên tắc, phương pháp làm việc của Ban Chấp hành Đoàn “4 chủ động”, cán bộ Đoàn “5 biết” và thực hiện Kết luận 06-KL/TWĐTN-BKT ngày 10/02/2019 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị 01-CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về việc “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn””.

- Xây dựng tác phong, lề lối làm việc của Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn; thực hiện công tác đoàn vụ, hội họp, sinh hoạt chi đoàn đúng quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; thực hiện đầy đủ các yêu cầu về công tác đoàn viên; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.

- Đảm bảo chế độ thông tin báo cáo, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách và công tác nội vụ của chi đoàn (chi đoàn phải có sổ chi đoàn và một số sổ sách theo quy định, mỗi đoàn viên đều phải có sổ đoàn viên, huy hiệu đoàn và được trao thẻ đoàn viên).

- Tăng cường quản lý đoàn viên đi học tập, công tác, lao động ở xa; tổ chức cho đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.

- Đảm bảo tổ chức đại hội chi đoàn theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.

Trên cơ sở 3 nội dung này, tùy theo yêu cầu của từng địa phương, đơn vị, các cơ sở Đoàn cụ thể hóa thành các tiêu chí phù hợp để chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chi đoàn mạnh.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Căn cứ các nội dung yêu cầu và tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và đoàn viên (Hướng dẫn số 33-HD/TWĐTN-BTC, ngày 07/10/2019của Ban Bí thư Trung ương Đoàn“về Hướng dẫn, kiểm điểm và đánh giá xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức Đoàn, tập thể lãnh đạo và cá nhân giai đoạn 2019-2022”);Đoàn cơ sở tiến hành rà soát, nắm rõ tình hình chi đoàn, trên cơ sở đó lên kế hoạch và chương trình làm việc, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, đồng thời tập trung thực hiện một số biện pháp:

1. Xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chi đoàn

- Định kỳ hàng quý, Đoàn cơ sở làm việc với chi bộ và Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn, trao đổi, phân tích về các nội dung: tình hình đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tình hình hoạt động của chi đoàn; sự quan tâm của cấp ủy đối với công tác cán bộ của chi đoàn; đánh giá mặt mạnh, yếu, những khó khăn, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục và định hướng các công việc cụ thể mà Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn cần thực hiện.

- Đoàn cơ sở trao đổi và đề nghị chi bộ phối hợp xây dựng, củng cố, kiện toàn cán bộ chi đoàn đảm bảo năng lực, nhiệt huyết để thực hiện nhiệm vụ; phối hợp, tạo điều kiện và quan tâm chỉ đạo chi đoàn tổ chức các hoạt động góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

- Hằng năm, Đoàn cấp huyện,Đoàn cơ sở tổ chức ít nhất 01lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chi đoàn và những đoàn viên tích cực, có chiều hướng phát triển, bồi dưỡng bổ sung vào đội ngũ Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn. Có thể kết hợp tập huấn tập trung hoặc tập huấn qua giao ban, sinh hoạt Câu lạc bộ Bí thư chi đoàn và các hình thức phù hợp khác.

- Tổ chức hội thi “Bí thư chi đoàn giỏi”hoặc liên hoan “Bí thư chi đoàn” tạo sân chơi, môi trường giao lưu, học hỏi, rèn luyện đội ngũ Bí thư chi đoàn.

- Thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình đội ngũ cán bộ chi đoàn để có kế hoạch kiện toàn, bổ sung kịp thời, đảm bảo số lượng và chất lượng, không để khuyết.

2. Thống nhất kế hoạch hoạt động của chi đoàn và đăng ký thực hiện “Xây dựng chi đoàn mạnh”

 - Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn gặp gỡ, vận động số đoàn viên hiện có, mời họp chi đoàn; thông báo trước cho đoàn viên nội dung cuộc họp:

- Cán bộ đoàn cơ sở tham gia sinh hoạt cùng với chi đoàn để nắm rõ tâm tư, tình cảm, mong muốn, nguyện vọng của đoàn viên; đánh giá đúng thực trạng chi đoàn. 

- Hướng dẫn, giúp đỡ Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn xây dựng nội dung chương trình công tác; gợi ý các vấn đề trọng tâm để đoàn viên tham gia thảo luận và góp ý kiến.

-Thống nhất đăng ký xây dựngchi đoàn mạnh và tổ chức thực hiện. Khuyến khích các Đoàn cơ sở tổ chức phát động đăng ký thi đua xây dựng chi đoàn mạnh, lồng ghép tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí thi đua, phấn khởi, khích lệ các chi đoàn xây dựng chi đoàn mạnh.

3. Tổ chức hoạt động

- Trên cơ sở các nội dung hoạt động đã được đoàn viên thống nhất, lựa chọn những việc cụ thể, từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, từ các hoạt động bề nổi đến các hoạt động chiều sâu, đảm bảo hoàn thành tốt được nội dung đề ra. Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn dự kiến nhân sự phụ trách từng công việc cụ thể, giao việc phù hợp với trình độ, năng lực, năng khiếu và hoàn cảnh cụ thể của từng đoàn viên; kiểm tra, theo dõi và có biện pháp giúp đỡ để đoàn viên hoàn thành được công việc; tổ chức họp thống nhất, phân công nhiệm vụ, tiến độ thực hiện; thường xuyên trao đổi thông tin để kịp thời điều chỉnh, phối hợp hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.

- Cần chú ý đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động và vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào các hoạt động tập thể; tập hợp những đoàn viên tích cực để xây dựng lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò các nhân tố tích cực trong việc tăng cường chất lượng hoạt động của chi đoàn; bồi dưỡng những thanh niên tiêu biểu để kết nạp vào Đoàn.

- Chi đoàn họp thống nhất trong đoàn viên, đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện phối hợp với các đoàn thể trên địa bàn đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc… để gây quỹ chi đoàn; vận động tập thể và cá nhân ủng hộ, giúp đỡ về kinh phí hoạt động.

- Đoàn cơ sở kết nối, giúp đỡ chi đoàn mở rộng các hoạt động phối hợp với các chi đoàn khác trên địa bàn, khu vực (lực lượng vũ trang, trường học, doanh nghiệp…). Liên kết tổ chức hoạt động chung nhằm cổ vũ, động viên thi đua giữa các đơn vị như: thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, vũ hội, cắm trại, hội thảo, diễn đàn, mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nói chuyện thời sự, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi công tác vận động thanh niên…

- Đoàn cấp trên quan tâm trích một phần kinh phí hỗ trợ khi chi đoàn tổ chức các hoạt động hoặc giao các chi đoàn đăng cai tổ chức hoạt động từ nguồn kinh phí của Đoàn cấp trên.

4. Thực hiện công tác đoàn viên

- Đoàn cơ sở chỉ đạo chi đoàn cụ thể hóa nội dung Rèn luyện đoàn viên phù hợp với điều kiện học tập, lao động, sinh hoạt và nhu cầu của đoàn viên. Đề cao sự chủ động đăng ký, rèn luyện của đoàn viên và việc tổ chức đăng ký của chi đoàn. Cách thức thực hiện cần sáng tạo, hấp dẫn, nội dung dễ triển khai thực hiện, dễ đánh giá. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng đối với chi đoàn, đoàn viên thực hiện tốt chương trình “Rèn luyện đoàn viên”.

- Triển khai công tác phát triển đoàn viên mới đảm bảo nguyên tắc, quy trình và thủ tục công tác phát triển đoàn viên trong các đối tượng thanh niên trên cơ sở coi trọng chất lượng và quan tâm đến số lượng. Chú ý tổ chức và vận động thanh niên tham gia các phong trào hành động cách mạng và hoạt động xã hội để lựa chọn những thanh niên tiên tiến bồi dưỡng kết nạp vào Đoàn. Nghiên cứu tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên tại các khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ để tăng cường giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Tổ chức trao thẻ đoàn viên kịp thời.

- Thực hiện tốt quy định mỗi đoàn viên đều có sổ đoàn viên và thẻ đoàn viên. Hằng năm, Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn thực hiện việc ghi nhận xét ưu, khuyết điểm của đoàn viên trong sổ đoàn viên và chuyển Đoàn cơ sở ký, đóng dấu xác nhận.

- Thực hiện quy trình, thủ tục trưởng thành đoàn cho đoàn viên khi hết tuổi Đoàn, đảm bảo mỗi đoàn viên khi trưởng thành Đoàn đều được cấp giấy chứng nhận và được tổ chức lễ trưởng thành Đoàn.

- Bồi dưỡng, xem xét, giới thiệu cho chi bộ những đoàn viên ưu tú để chi bộ xem xét kết nạp Đảng.

- Tổ chức tốt việc giới thiệu hoặc tiếp nhận đoàn viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú theo Hướng dẫn14-HD/TĐTN-TCKTngày 13/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn “về hướng dẫn đoàn viên tham gia hoạt động đoàn nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022”.

5. Công nhận chi đoàn mạnh

- Hằng năm,căn cứ tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và đoàn viên,tiêu chí xây dựng chi đoàn mạnh; Ban chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn tiến hành đánh giá, phân tích toàn diện tình hình chi đoàn về tư tưởng, tổ chức và hoạt động trên cơ sở kết quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chủ trương công tác của Đoàn cấp trên và việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác của chi đoàn trên các mặt công tác. Nếu kết quả thực hiện tốt theo những nội dung về tư tưởng, chính trị, về phong trào, hoạt độngvà về tổ chức thì đề nghị Đoàn cấp trên xem xét, công nhận chi đoàn mạnh.

- Trên cơ sở đánh giá và đề nghị của các chi đoàn, Đoàn cơ sở xem xét, công nhận và biểu dương, khen thưởng các chi đoàn mạnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp tỉnh:

- Xây dựng Hướng dẫn chi đoàn mạnh triển khai đến các Đoàn trực thuộc.

- Phân công cán bộ Đoàn chuyên trách trực tiếp theo dõi, hướng dẫn các huyện, thành đoàn và các Đoàn trực thuộc thực hiện.

- Giao cho Ban Tổ chức - Xây dựng đoàn Tỉnh đoàn làm thường trực, tham mưu; kiểm tra; giám sát và báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn.

2. Cấp huyện:

- Xây dựng và triển khai Hướng dẫn đến 100% chi đoàn.

- Chỉ đạo rà soát, khảo sát tình hình chi đoàn, từ đó chỉ đạo thực hiện xây dựng chi đoàn mạnh hằng năm.

- Xây dựng nội dung tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và tổ chức tập huấn Ban Chấp hành (hoặc Bí thư, Phó Bí thư) chi đoàn.

 - Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tuyên dương chi đoàn mạnh gắn với gặp gỡ Bí thư chi đoàn hằng năm.

- Báo cáo tình hình triển khai thực hiện hằng năm về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn (qua Ban Tổ chức - Xây dựng đoàn Tỉnh đoàn) trước ngày 15 tháng 11.

Trên đây là Hướng dẫn xây dựng chi đoàn mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, đề nghị các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc triển khai thực hiện. Mọi vướng mắc trong quá trình triển khai báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn (qua Ban Tổ chức - Xây dựng đoàn Tỉnh đoàn) để được hướng dẫn.

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 9/2020

 

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin chính sách mới nổi bật về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2020:

1. Thời gian nghỉ hè của giáo viên cấp I, II, III là 8 tuần

Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ 01/9/2020) quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau:

- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

(Hiện hành, quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 2 tháng, bao gồm nghỉ phép hằng năm).

- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

 - Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định theo thẩm quyền.

2. Quy định mới về định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên đại học

Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, trong đó có một số điểm mới, đơn cử như:

- Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học là từ 200 đến 350 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ hành chính);

Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định;

Định mức cụ thể do trưởng cơ sở giáo dục đại học xem xét quyết định.

(Định mức hiện hành là 270 giờ chuẩn; trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định)

- Giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy;

Đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ, trợ giảng và tham gia thực tập, thực tế.

- Giảng viên trong thời gian nghỉ hưởng trợ cấp BHXH, nghỉ theo các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành được miễn giảm định mức giờ chuẩn giảng dạy theo tỷ lệ tương ứng với thời gian nghỉ.

Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11/9/2020 và thay thế Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014.

3. Thêm 06 thủ tục hành chính mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Từ ngày 01/9/2020, thêm 06 thủ tục hành chính mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo kèm theo Quyết định 2284/QĐ-BGDĐT có hiệu lực thi hành. Cụ thể:

- Thủ tục hành chính cấp trung ương:

+ Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

+ Chuyển đổi cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị sang cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Thủ tục hành chính cấp tỉnh:

+ Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

+ Chuyển đổi trường trung học phổ thông tư thục, trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do nhà đầu tư trong nước đầu tư và trường phổ thông tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sang trường phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Thủ tục hành chính cấp huyện:

+ Chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

+ Chuyển đổi trường tiểu học tư thục, trường trung học cơ sở tư thục và trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do nhà đầu tư trong nước đầu tư sang trường phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

4. Quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập

Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/9/2020.

Theo đó, việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập như sau:

- Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập phải căn cứ vào kết quả đạt được của các tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư 22/2020.

- Việc đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập theo phương thức chấm điểm. Tổng số điểm tối đa cho tất cả các tiêu chí là 100.

- Xếp loại:

+ Loại tốt: Tổng số điểm đạt được từ 85 điểm đến 100 điểm;

+ Loại khá: Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 85 điểm;

+ Loại trung bình: Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm;

+ Loại chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/

.

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn

Bài viết trước

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn
Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 5 năm 2021

Tin tiếp theo

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 5 năm 2021

Bài viết liên quan

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn
20/05/2021

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn