Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua trong giai đoạn cách mạng hiện nay

  • 02-06-2021
  • /
  • Đoàn Thanh Niên
  • 463
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua trong giai đoạn cách mạng hiện nay

Ảnh minh họa

1. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh giặc đói, giặc dốt hoành hành khắp nơi, giặc ngoại xâm lăm le, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, trước tình thế cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, BCH Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Lời kêu gọi của Bác với những ngôn từ vừa giản dị, gần gũi, rõ ràng, dễ hiểu, đã nêu bật ý nghĩa mục đích thi đua, mục tiêu thi đua, lợi ích thi đua. Bác còn phân tích một cách sâu sắc những vấn đề liên quan đến thi đua yêu nước, từ bản chất thi đua, nội dung thi đua, cách thức thi đua, mức thi đua, ý nghĩa thi đua, lực lượng thi đua, động lực thi đua, bản chất của thi đua, tính chất của thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người có sức lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 70 năm qua có thể khẳng định mọi thành quả của cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước.

Từ những ngày đầu lập nước, Bác Hồ và Đảng ta đã khẳng định: Nước ta phải thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, rồi tiến lên CNXH, trong điều kiện một nước nghèo. Bác Hồ nói: “Tiến lên CNXH không phải muốn là tự khắc có, mà phải làm thế nào cho nó tiến lên, tức là phải lao động, lao động thiết thực”. Nên phong trào thi đua do Bác phát động không phải là một áp lực chủ quan mà bắt nguồn từ sự ra đời của chế độ mới. Bác phân tích: “Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến không thể có phong trào thi đua yêu nước. Vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ rồi lại bị chúng áp bức, bóc lột thêm. Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và XHCN, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà thì mới có phong trào thi đua”. Mỗi người lao động, dù là lao động trí óc, lao động sản xuất, hay lao động quản lý có lòng yêu nước, yêu chế độ đều nhận thức được “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và lợi ích cho làng cho nước, cho dân tộc”.

Nhằm nâng cao ý thức tự giác lao động, khuyến khích lòng nhiệt tình, khả năng của mọi người trong xây dựng và kiến thiết đất nước, Người yêu cầu: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”. Đây chính là một cuộc vận động sâu rộng, toàn dân, toàn diện, tất cả cho lao động sản xuất. Để phát động phong trào thi đua lao động đều khắp và tác dụng thiết thực, Bác kêu gọi: “Mọi ngành, mọi người, mọi tổ chức phải ra sức thi đua, phải thực hiện khẩu hiệu: nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí. Người còn nói: “Thi đua là đoàn kết. Trong phong trào thi đua chúng ta thấy có đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường, đủ các tín ngưỡng: lương có, giáo có, đủ các tầng lớp công, nông, binh, sỹ, đủ các người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc lập công”. Hiểu được ý nghĩa như vậy, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là nhằm mục đích ích nước lợi nhà nên đúng là “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những yêu nước nhất”.

Theo Bác, thi đua không phải là tranh đua. Không phải là giấu nghề, giấu nghề cho riêng mình, cho nhà mình. Trái lại trong thi đua phải giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ, điều đó cũng thể hiện rõ thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua. Xuất phát từ ý nghĩa của phong trào thi đua mà Bác nhấn mạnh: “Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc”. Trên cơ sở đó mà xác định chỉ tiêu thi đua thiết thực, rõ ràng, định mức phù hợp, kế hoạch thực hiện đơn giản, có nhiều biện pháp phong phú để động viên được nhiều người tham gia phong trào. Bác gợi ý “không nên đặt nhiều việc quá, mức quá cao, rồi làm không được thì nản lòng. Không nên chép của nhau, kế hoạch của người nào, nhóm nào phải do người ấy, nhóm ấy tự động, tự giác, tự nguyện làm lấy. Không nên bao biện như cán bộ tự mình đặt kế hoạch rồi đem đọc qua trước hội nghị để mọi người giơ tay tán thành. Thế là cách làm quan liêu, hình thức, sẽ không có kết quả”. Bác còn hướng dẫn những điều cần làm là: “khi đặt kế hoạch nên bàn kỹ, khi đã nhận kế hoạch nên công bố đường hoàng, chép và gián lên tường để luôn luôn trông thấy, ghi nhớ và luôn cố gắng”.

Còn những cán bộ tổ chức theo dõi phong trào thi đua “thì phải luôn khuyến khích, giúp đỡ, kiểm tra sửa chữa hoặc bổ sung kịp thời. Tuỳ công việc mà định kỳ hạn tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng hoặc phê bình”. Phong trào thi đua sẽ xuất hiện những anh hùng, chiến sỹ thi đua, họ chính là những hạt nhân của phong trào bởi họ là “những người tiên phong trong sản xuất mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng cá nhân… họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho, chứ họ không suy bì hơn thiệt cá nhân, không ganh tỵ về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những anh em chung quanh mình. Họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ…”.

Mặt khác, Bác cũng căn dặn các anh hùng chiến sỹ thi đua: “Thành tích là thành tích của tập thể, tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm gì được, cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn, tuyệt đối chớ tự mãn, tự túc. Các anh hùng, chiến sỹ thi đua cần phải luôn dìu dắt giúp đỡ những người xung quanh mình cùng tiến bộ”.

2. Toàn bộ những hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua trong suốt lịch sử cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo là minh chứng sinh động cho Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Những tư tưởng và hành động của Bác tập trung khơi dậy phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động yêu nước, làm cho tinh thần đó của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc của cách mạng, thực hiện tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ hằng ngày. Người chỉ rõ yêu cầu về tính thực tiễn, cụ thể, thiết thực của thi đua yêu nước phải được thực hành vào công việc mà thực chất là làm tốt hơn những công việc hằng ngày.

Ngày 17-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí minh ký sắc lệnh 83/SL thành lập Viện Huân chương. Ngày 1-6-1948, Người ký sắc lệnh 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương để vận động, đôn đốc thi đua và phổ biến kinh nghiệm trong toàn quốc. Năm 1950 Bác cùng bộ đội hành quân đi Chiến dịch Biên giới. Tháng 8-1951 Bác chỉ đạo phong trào thi đua và Hội nghị Thi đua của thanh niên. Tháng 1-1952 Bác chỉ đạo Đại hội Thi đua toàn quốc lần đầu tiên. Tháng 3-1958 Bác đến với bà con nông dân xã Lại Sơn (Vĩnh Phúc). Tháng 11-1965 Bác ân cần tiếp đón Đoàn đại biểu Anh hùng chiến sỹ thi đua lực lượng vũ trang miền Nam. Khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, Bác nhiều lần đến thăm bộ đội tại trận địa pháo Phòng không. Ngày 19-7-1965 Bác đến thăm Đại đội 1 Trung đoàn Pháo Phòng không 234, sau khi ân cần thăm hỏi các chiến sỹ, Bác nói: Hôm nay, Bác đến thăm các chú, thấy chú nào cũng mạnh khỏe, vui vẻ, Bác mừng. Bác khen bộ đội đánh giỏi, bắn rơi gần 400 máy bay Mỹ. Bác nhấn mạnh: “…Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh thắng. Từng ấy máy bay, từng ấy lính Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng…”. Theo thống kê trong 10 năm (1955-1965) giữ cương vị Chủ tịch nước, Bác đã có tới hơn 700 lần trực tiếp tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân (không kể các chuyến làm việc). Cho đến những ngày cuối đời, sáng ngày 1 Tết Kỷ Dậu (1969) Bác còn đến thăm Bộ đội Phòng không và thăm bà con nông dân xã Vật Lại, trồng cây đa và căn dặn bà con thi đua trồng cây.

Quá trình hoạt động thực tiễn phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, điều quan trọng nhất trong thi đua yêu nước là phải xác định được nội dung phong trào thi đua. Phong trào càng thiết thực, càng cụ thể thì hiệu quả càng cao. Đó là cơ sở để làm tốt công tác vận động nhân dân hưởng ứng tham gia, vừa có chiều sâu, vừa có chiều rộng, vừa có sức hút, vừa có khả năng lan tỏa, với phương pháp đúng, khẩu hiệu thiết thực, rõ ràng, có sức động viên mạnh mẽ, chống bệnh hình thức. Theo Bác, nếu không gắn được nhiệm vụ chung với công việc hằng ngày thì chỉ là “đánh trống bỏ dùi”, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” hoặc “đầu voi đuôi chuột”.

Bác luôn gắn liền phong trào thi đua với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Chính vì vậy, Người vừa khởi xướng phong trào thi đua yêu nước, vừa quan tâm đến công tác khen thưởng, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương người tốt, việc tốt. Kể từ khi phát động phong trào thi đua yêu nước, Bác thường xuyên theo dõi động viên, khuyến khích, gửi tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.   

Suốt 72 năm qua, phong trào thi đua đã lan rộng cả nước, mỗi địa phương, mỗi ngành nghề đều có những thành tựu từ phong trào thi đua, xuất hiện những anh hùng, chiến sỹ thi đua và những tập thể lao động xuất sắc. Như vậy, thi đua yêu nước theo Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung.

Bác Hồ cũng chỉ rõ: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”, có sự chỉ đạo thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng với tổ chức chính quyền và đoàn thể quần chúng. Người chỉ ra những nơi phong trào thi đua yếu kém là do có khuyết điểm trong công tác tổ chức lãnh đạo phong trào. Người nhắc nhở: “Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng”. Người luôn yêu cầu cán bộ phải thật sự mẫu mực, luôn gương mẫu trong phong trào thi đua, thực sự là tấm gương sáng để cấp dưới và quần chúng noi theo.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, được hình thành trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, đường lối và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” thể hiện nổi bật tư tưởng của Người về thi đua ái quốc như sau:

Một là, quan điểm thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung.

Hai là, mục đích thi đua yêu nước nhằm khơi dậy, phát huy được tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người đều hăng hái, tích cực, sáng tạo, ngày càng làm được nhiều điều tốt hơn trong xã hội… Như vậy, đời sống của nhân dân sẽ ngày càng đầy đủ, no ấm, đất nước sẽ ngày càng giàu lên, quân đội sẽ ngày càng vững mạnh và sẽ hoàn thành được mục tiêu của cách mạng đề ra.

Ba là, nội dung thi đua yêu nước phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản, thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người.

Bốn là, cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng. Trong quá trình thi đua, Người thường lưu ý, phải coi trọng sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm. Từ những sáng kiến và kinh nghiệm trong từng ngành, lĩnh vực, ở một địa phương, cơ quan, đơn vị… sẽ được phổ biến, lan rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, cho đến cả nước; phải coi những sáng kiến, kinh nghiệm là tài sản vô giá, cần được phát huy và phổ biến.

Năm là, phương châm thi đua yêu nước, Người chỉ rõ “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Như vậy, thi đua để tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết lại đẩy mạnh thi đua.

Sáu là, lực lượng thi đua, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng của phong trào thi đua yêu nước là toàn thể nhân dân: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Từ đó, Người nhận định: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc Thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to”.

Ngày nay, cách mạng nước ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập quốc tế, Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Để vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp: tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước; tăng cường giáo dục lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo nên sự đồng thuận thực hiện phong trào thi đua ngày càng phát triển. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng.

“Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những con sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc” – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trần Công Huyền

Theo http://www.xaydungdang.org.vn

 

Giá trị cốt lõi của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Bài viết trước

Giá trị cốt lõi của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Những 'thủ lĩnh' công nghệ trẻ

Tin tiếp theo

Những 'thủ lĩnh' công nghệ trẻ

Bài viết liên quan

Những 'thủ lĩnh' công nghệ trẻ
18/01/2024

Những 'thủ lĩnh' công nghệ trẻ