Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 4 năm 2021

  • 13-05-2021
  • /
  • Đoàn Thanh Niên
  • 4063
  • Tài liệu sinh hoạt chi đoàn
Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 4 năm 2021

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (02/4/1975 – 02/4/2021) VÀ 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2021)

PHẦN I

CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ, CHIẾN CÔNG OANH LIỆT CỦA SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC, GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Ngày 30/4/1975, nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc ta trên con đường dựng nước và giữ nước suốt hàng ngàn năm lịch sử.

46 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc vẫn in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân ta và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý trên thế giới và vẫn là sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

I. NHỮNG THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

1- Bối cảnh quốc tế và trong nước

Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội (CNXH), phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.

Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

2- Những bước phát triển của cuộc kháng chiến

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt. Đảng và nhân dân ta phải đấu trí và đấu sức chống tên đế quốc giàu mạnh và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ.

2.1. Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ

Những chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào. Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ – Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”, đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Trong ba năm (1958 – 1960), chúng ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xóa bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị một số nội dung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 – 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

2.2. Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965: Giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

2.3. Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me, Đất Cuốc, Bầu Bàng, ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của, ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

2.4. Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973: Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 – 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam. So sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

2.5. Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975: Tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xóa bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam – Bắc. Nữa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 – đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị, quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

II. KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

1- Nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn thử thách, kịp thời chuyển phương châm, phương thức đấu tranh đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ – cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và oanh liệt nhất trong lịch sử của quê hương, đất nước. Vượt qua những năm tháng khó khăn thời gian đầu, quân và dân Khánh Hòa đã bền bỉ đấu tranh chống chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, kiên quyết bảo tồn lực lượng cách mạng.

Từ năm 1960, thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, cùng với khí thế của toàn miền, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công. Ở miền núi, quân và dân ta đã bẻ gãy các cuộc càn quét của địch, giải phóng miền núi xây dựng thành căn cứ địa vững chắc cho phong trào kháng chiến toàn tỉnh. Ở đồng bằng, nhân dân đồng khởi giành quyền làm chủ và lỏng kèm một mảng lớn vùng nông thôn, đưa phong trào đấu tranh bằng quân sự, chính trị, binh vận, thực hiện ba mũi giáp công lên từng bước, làm thất bại “quốc sách ấp chiến lược” xương sống “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – ngụy.

Tháng 8/1961, Hội nghị Tỉnh ủy đặt mạnh vấn đề tập trung sức phá kế hoạch gom dân, lập ấp chiến lược của địch. Từ đó, phong trào đấu tranh vũ trang trong tỉnh ngày một phát triển. Lực lượng vũ trang của tỉnh liên tục tấn công vào các đồn bót, trụ sở và triệt phá nhiều ấp chiến lược của địch ở khắp các huyện, thị. Từ cuối năm 1964 đến năm 1965, được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng vũ trang, phong trào đồng khởi ở đồng bằng nổi lên mạnh mẽ, giải phóng được nhiều vùng trong tỉnh, góp phần cùng toàn miền làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – ngụy

Tháng 3/1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam thực thi chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 10/6/1965, Mỹ đổ bộ vào Cam Ranh và xây dựng thành một khu căn cứ quân sự khổng lồ, một kho hậu cần chiến lược phục vụ cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Quân Mỹ và Nam Triều Tiên mở rộng căn cứ, tiến hành càn quét bắn phá, tạo điều kiện cho quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng. Quân và dân ta đã bám đánh địch quyết liệt. Ở Bắc Khánh, bộ đội địa phương và du kích đánh lui các trận càn của các Tiểu đoàn quân Mỹ và Nam Triều Tiên. Ở Nam Khánh, ta đánh lui cuộc càn của Lữ đoàn dù 101 Mỹ vào căn cứ Hòn Dữ. Từ năm 1965 – 1967, quân, dân Khánh Hòa đã chiến đấu anh dũng, góp phần với quân dân toàn miền đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của đế quốc Mỹ.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Khánh Hòa đã nổ ra trong giờ phút đầu tiên của toàn miền và thực hiện mạnh mẽ ở trọng điểm Nha Trang. Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, quân ta đã đột nhập tiến công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của địch ở khắp các quận lỵ, thị trấn, chiếm lĩnh một số nơi quan trọng trong thị xã Nha Trang. Thắng lợi của quân và dân Khánh Hòa trong Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là rất quan trọng, đã góp phần vào thắng lợi chung của toàn miền.

Sau thất bại Xuân Mậu Thân, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh và ngồi hội đàm với ta ở Pari. Tuy bị thất bại nặng nề, nhưng âm mưu và bản chất cực kỳ ngoan cố của Mỹ vẫn không thay đổi, chúng chuyển sang dùng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực hiện “bình định cấp tốc” với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, từ đầu năm 1969 đến Thu Đông năm 1971, Tỉnh ủy đã tổ chức sắp xếp lại lực lượng và chủ trương mở các chiến dịch từ HT1 đến HT4 với phương châm “giành dân, giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ”. Lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, tiến hành diệt ác trị điệp, phá rã lực lượng phòng vệ dân sự trên một diện rộng, đẩy lùi kế hoạch “bình định đặc biệt” của địch, làm chủ thêm nhiều địa bàn mới. Phong trào chiến tranh du kích, hoạt động của tự vệ mật, các đội vũ trang công tác bám dân, bám làng bằng hầm bí mật đã trở thành phổ biến. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, nòng cốt là phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Phong trào đấu tranh của phật tử nổ ra khá rầm rộ chống lại chính sách bất công của ngụy quyền Thiệu. Phong trào đấu tranh của thương phế binh ở Nha Trang do bức xúc về quyền lợi diễn ra khá mạnh mẽ, có lúc rất quyết liệt. Tiếp theo các chiến dịch HT, cùng toàn quân Khu V, ta mở chiến dịch Xuân Hè 1972. Thắng lợi trong chiến dịch Xuân Hè 1972 đã đánh bại thêm một đòn quan trọng kế hoạch “bình định nông thôn” của địch, buộc chúng phải co vào thế phòng ngự xung quanh thị xã, thị trấn, chi khu và quận lỵ.

2- Cùng các chiến trường, phối hợp với lực lượng chủ lực, tiến lên giải phóng toàn tỉnh

Trước sự thất bại nặng nề của Mỹ và trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, cuối năm 1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện chủ trương này, vào tháng 02/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã họp bàn biện pháp thực hiện chỉ thị của Khu ủy và chuẩn bị tốt mọi mặt để phối hợp giải phóng các huyện.

Tháng 3/1975, quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế – Đà Nẵng, sau khi lực lượng chủ lực của ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, cắt đứt đường 21; địch bất lực, ta chiếm luôn quận lỵ Khánh Dương vào ngày 22/3. Sáng ngày 31/3, Sư đoàn 10 chủ lực của ta từ phía Tây thừa thắng tiến quân về phía Đông với sức mạnh như vũ bão. Tại huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa), đội vũ trang công tác và du kích cùng nhân dân nổi dậy ở nhiều xã, ngày 01/4 Ninh Hòa giải phóng. Từ ngày 01 đến ngày 02/4, vùng nông thôn và thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh được giải phóng. Địch ở Nha Trang nhốn nháo tháo chạy. Các đội võ trang và cơ sở của ta trong thị xã đã chủ động bảo vệ các cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng. 15 giờ ngày 02/4, Sư đoàn 10 có sự phối hợp với quân dân địa phương tiến vào giải phóng thị xã Nha Trang, tiếp theo là Vĩnh Xương, Diên Khánh. Ngày 03/4, giải phóng thị xã Cam Ranh và khu liên hợp quân sự Cam Ranh; 58.000 quân địch ở Khánh Hòa hoàn toàn tan rã.

Sau khi được giải phóng, Khánh Hòa trở thành bàn đạp quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời quân và dân Khánh Hòa đã góp phần cùng các lực lượng thuộc Quân khu 5 và bộ đội hải quân, lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… Ngày 29/4/1975, toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng. Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh ta cùng với cả nước trải qua suốt 21 năm, với bao gian khổ hy sinh, đầy thử thách, song vô cùng oanh liệt và vẻ vang. Quân và dân Khánh Hòa đã đánh hàng nghìn trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 ngàn tên địch; trong đó có hơn 03 ngàn tên Mỹ, gần 06 ngàn tên Nam Triều Tiên; bắn rơi, phá hủy, đốt cháy 318 máy bay các loại; phá hủy 130 ngàn tấn bom đạn, 350 tấn hàng quân sự; đốt cháy và phá hủy hơn 100 triệu lít xăng dầu, 34 xe quân sự; đánh chìm 9 tàu chiến, 62.119 tên tề nguỵ bị bắt và ra trình diện. Những chiến công này đã góp phần quan trọng làm nên toàn thắng vẻ vang của cả nước, xứng đáng với danh hiệu được Đảng và Nhà nước khen tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ, NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

1- Ý nghĩa lịch sử

1.1. Đối với Khánh Hòa: Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Khánh Hòa là một trong những mốc son sáng ngời trong lịch sử Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân tỉnh nhà; thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ, quân và nhân dân trong tỉnh; góp phần cùng với cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

1.2. Đối với Việt Nam: Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

1.3. Đối với thế giới: Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

2- Nguyên nhân thắng lợi

Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Hai là, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người.

Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bốn là, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Năm là, đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia; đoàn kết quốc tế.

3- Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thứ ba: Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Thứ tư: Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo và nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định.

Thứ năm: Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

CÁC NGÀY LỄ TRONG THÁNG 4

  1. Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (02/4)

Với mục đích kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với những người mang chứng tự kỷ, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 2/4 hàng năm làm ngày “Thế giới nhận thức về tự kỷ”.

Vào ngày này, các cơ sở giáo dục và các tổ chức xã hội thường tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, văn nghệ bổ ích nhằm giúp trẻ tự kỷ có dịp tương tác với các bạn học sinh khác. Song song đó, phụ huynh cũng được tạo cơ hội để chia sẻ những trăn trở và trao đổi về cách chăm sóc, nuôi dạy để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng.

  1. Ngày Quốc tế Thể thao vì Phát triển và Hòa bình (6/4)

Ngày 23/8/2013, phiên họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 6/4 hàng năm làm Ngày quốc tế Thể thao vì sự phát triển và hòa bình. Năm 2014 là năm đầu tiên ngày này được kỷ niệm tại nhiều quốc gia.

Đây là dịp toàn thế giới nêu cao đóng góp của thể thao trong quá trình thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, giúp công dân các quốc gia chia sẻ thông điệp hòa bình, góp phần thay đổi xã hội theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, ngày lễ này còn nhấn mạnh quyền con người và thúc đẩy tinh thần đoàn kết của các quốc gia trên thế giới.

  1. Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4)

Năm 1948, WHO lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế Thế giới. Tại đây, WHO đã quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7/4 hàng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân và cả cộng đồng. Vào ngày này, WHO cùng các tổ chức y tế trên toàn cầu sẽ tổ chức các sự kiện liên quan đến một chủ đề nhất định, như an toàn thực phẩm, bệnh tiểu đường, bệnh trầm cảm, sức khỏe tâm thần,… Đặc biệt, đây còn là dịp để tri ân đội ngũ y bác sĩ, những người đã đảm nhiệm trọng trách hết sức quan trọng để chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ở một khía cạnh khác, họ cũng tham gia thu thập dữ liệu cho các nghiên cứu lâm sàng vô cùng hữu ích cho giới khoa học.

  1. Ngày Sách Việt Nam (21/4)

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 21/4 hàng năm làm Ngày Sách Việt Nam. Ngày này ra đời nhằm mục đích khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trên toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc rèn luyện kỹ năng, nhân cách con người cũng như phát triển đất nước.

Đến ngày này, các thư viện và cơ sở giáo dục trên toàn quốc nhiệt liệt hưởng ứng thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa. Trong đó, điển hình như triển lãm, trưng bày sách báo, thư pháp hay tổ chức các buổi giới thiệu sách, giao lưu tọa đàm, vẽ tranh theo sách,… Ngoài ra, các tổ chức xã hội còn vận động quyên góp, ủng hộ sách, xây dựng tủ sách cho các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc của người Việt.

  1. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 Âm lịch (21/4)

Mùng 10/3 Âm lịch hàng năm được xem là dịp tưởng nhớ đến công ơn dựng nước và giữ nước của các vị Vua Hùng. Đây là truyền thống lâu đời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Đặc biệt, ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương còn nằm ở chỗ giáo dục thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước, về cội nguồn của dân tộc, từ đó ra sức giữ gìn và bảo tồn những giá trị quý báu mà tổ tiên để lại.

Để kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương, các địa phương trên khắp cả nước đề tổ chức nhiều chương trình lễ hội đặc sắc, nổi bật là lễ rước kiệu, lễ dâng hương cùng một số trò chơi dân gian thú vị.

Năm nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương rơi vào ngày thứ Tư (21/4/2021). Theo quy định, tất cả người lao động sẽ được nghỉ vào ngày này.

  1. Ngày Trái Đất (22/4)

Năm nay, cả thế giới sẽ kỷ niệm 51 năm ngày Trái Đất (22/4/1970 – 22/4/2021). Với quy mô ban đầu chỉ với 20 triệu người tham gia, cho đến nay, ngày này đã được hàng trăm quốc gia hưởng ứng. Mục đích của Ngày Trái đất là nâng cao nhận thức về giá trị của môi trường tự nhiên nơi chúng ta đang sinh sống, từ đó có những hành động tích cực để giữ gìn môi trường sống luôn trong lành.

Trong ngày này, mọi người thường tổ chức các hoạt động như tuyên truyền bảo vệ môi trường, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải,… Đây là một ngày vô cùng ý nghĩa và hết sức thiết thời, đặc biệt là trong thời điểm khí hậu biến đổi khó lường như hiện nay.

  1. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)

Một trong những ngày lễ được nghỉ theo quy định trong tháng 4 là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4). Năm nay là năm kỷ niệm thứ 46 ngày cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 hoàn toàn thắng lợi. Trong lịch sử, đây là một mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, trong bối cảnh thời đại mới, 30/4 hàng năm được xem là một ngày vô cùng ý nghĩa, nêu cao tinh thần yêu nước và thúc đẩy toàn xã hội chung sức xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cứ đến ngày này, nhiều hoạt động ý nghĩa lại được tổ chức trên toàn quốc. Cụ thể như giới thiệu tư liệu, triển lãm hiện vật lịch sử, chương trình nghệ thuật, công chiếu phim tài liệu, tổ chức viếng nghĩa trang và dâng hương tưởng niệm, tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, cựu chiến binh, những người có công với cách mạng.

HỎI ĐÁP VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 – 2026

  1. Hỏi đáp về bầu cử Đại biểu Quốc hội

Câu 1: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có ý nghĩa chính trị như thế nào?

Trả lời: Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương nói riêng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 2: Quốc hội có vị trí như thế nào trong bộ máy nhà nước ta? Tại sao nói Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Trả lời: Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội, hoạt động của công dân; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều đó có nghĩa nhân dân là người chủ của quyền lực nhà nước. Quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc, tính cưỡng chế nhà nước đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.

Câu 3: Tại sao nói Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân?

Trả lời: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:

– Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bầu cử đại biểu Quốc hội là kết quả lựa chọn thống nhất của nhân dân cả nước;

– Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của nhân dân cả nước;

– Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước;

– Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia cũng như các vấn đề trọng đại của đất nước.

Câu 4: Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Hiến pháp và pháp luật quy định Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;

– Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;

– Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;

– Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;

– Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương;

– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

– Quyết định thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;

– Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;

– Quyết định đại xá;

– Quy định hàm, cấp trong các đơn vị vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;

– Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

– Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước;

– Quyết định việc trưng cầu ý dân.

Câu 5: Nhiệm kỳ của Quốc hội là bao nhiêu năm?

Trả lời: Nhiệm kỳ mỗi khóa Quốc hội là năm năm. Nhiệm kỳ được tính từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

Trong trường hợp đặc biệt, Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Ví dụ Quốc hội khóa XII rút ngắn nhiệm kỳ xuống còn 4 năm (2007 – 2011).

Câu 6: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?

Trả lời: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Câu 7: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Trả lời: Việc

bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Các nguyên tắc này thể hiện tính chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử.

Câu 8: Thế nào là nguyên tắc phổ thông trong bầu cử?

Trả lời: Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Câu 9: Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn gì?

Trả lời: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội thì việc quy định tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là cần thiết, làm cơ sở để cử tri lựa chọn và bầu ra được những đại biểu đủ đức, đủ tài, xứng đáng làm đại biểu Quốc hội. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là:

  1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
  2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
  3. Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;
  4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
  5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Câu 10: Những người nào được gọi là cử tri?

Trả lời: Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử (Ngày 23 tháng 5 năm 2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Câu hỏi tình huống: Anh X sinh ngày 22/5/2003. Nghe báo đài đưa tin, Ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026, vậy anh X có đủ tuổi tham gia bầu cử hay không?

Trả lời: Theo Quy định Luật bầu cử đai biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Do ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là ngày 23/5/2021, nên tính đến ngày 23/5/2021, anh X đã đủ 18 tuổi thỏa mãn độ tuổi được tham gia bầu cử.

Câu 11: Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri?

Trả lời: Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri là người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù, người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.

Người đang bị tạm giam nói trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội là những bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự tuy chưa phải là những người bị Toà án kết án nhưng do tính chất của vụ án hình sự và theo những căn cứ quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự thì họ bị hạn chế quyền tự do để phục vụ yêu cầu điều tra, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án phạt tù.

Câu 12: Trường hợp nào bị xóa tên khỏi danh sách cử tri?

Trả lời: Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án nhân dân hoặc cơ quan hữu quan phải thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã lập danh sách cử tri để xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Câu 13: Việc niêm yết danh sách cử tri được tiến hành như thế nào?

Trả lời: Chậm nhất là ba mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri phải niêm yết danh sách đó tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.

Câu 14: Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu thấy có sai sót thì trong thời hạn hai mươi lăm ngày, kể từ ngày niêm yết, mọi người có quyền khiếu nại bằng miệng hoặc bằng văn bản với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết của cơ quan lập danh sách cử tri thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu kiện, Tòa án nhân dân phải giải quyết xong. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đình chỉ vụ án và trả lại đơn kiện. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà xét xử. Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng.

Câu 15: Cử tri đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền bầu cử ở nơi khác không?

Trả lời: Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi mới đến. Ở những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri và cấp giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác”. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân phải ghi ngay vào danh sách bên cạnh tên cử tri “Đi bỏ phiếu nơi khác”.

Câu 16: Người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội?

Trả lời: Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội là:

– Người chưa đủ 21 tuổi.

– Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

– Người đang bị khởi tố về hình sự;

– Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Toà án;

– Người đang bị tạm giam;

– Người mất năng lực hành vi dân sự;

– Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Toà án nhưng chưa được xoá án;

– Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.

Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vi phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc chết, thì Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này mà người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu; Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu.

Câu 17: Ngày bầu cử được quy định như thế nào?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiêu sớm hơn ngày Quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Căn cứ vào Quy định nói trên, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 quyết định rõ Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021.

Câu 18: Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?

Trả lời: Trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 7 giờ sáng và thực hiện liên tục đến 7 giờ tối cùng ngày. Đây là khoảng thời gian thuận lợi và phù hợp nhất đối với mọi người trong ngày. Tuy nhiên, tuỳ tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không quá 09 giờ tối cùng ngày.

Trong ngày bầu cử, các thành viên của Tổ bầu cử phải đến sớm hơn 7 giờ sáng hoặc sớm hơn giờ khai mạc mà Tổ đã quy định để kiểm tra nơi bỏ phiếu và tiến hành khai mạc cuộc bỏ phiếu.

Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.

Câu 19: Cử tri có được bầu cử thay không?

Trả lời: Việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp, theo đó cử tri phải tự mình đi bầu, trực tiếp viết phiếu bầu và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Cử tri không được bầu bằng cách gửi thư hoặc nhờ người khác bầu thay.

Trong trường hợp do ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu; nếu không tự mình viết được phiếu bầu thì được phép nhờ người khác viết hộ, nhưng cử tri phải tự bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trong trường hợp đặc biệt vì lý do sức khỏe, tàn tật mà cử tri không thể tự bỏ phiếu thì được phép nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Câu 20: Những phiếu bầu cử nào là phiếu hợp lệ?

Trả lời: Những phiếu bầu cử sau đây là phiếu hợp lệ:

– Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát, có dấu của Tổ bầu cử;

– Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu  mà đơn vị bầu cử được bầu;

– Phiếu bầu gạch tên ứng cử viên không được tín nhiệm bằng cách gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang, nhưng phải gạch hết họ và tên.

Câu 21: Những phiếu bầu cử nào là phiếu không hợp lệ?

Trả lời: Những phiếu bầu cử sau đây là phiếu không hợp lệ:

– Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát;

– Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

– Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu (ví dụ được bầu 2 đại biểu mà để tên 3 người);

– Phiếu gạch, xoá hết họ, tên tất cả những người ứng cử;

– Phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử; phiếu có viết thêm; phiếu gạch vào khoảng cách giữa họ và tên hai ứng cử viên; phiếu khoanh tròn họ và tên ứng cử viên.

  1. Hỏi đáp về bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân

Câu 1: Đại biểu Hội đồng nhân dân cần có những tiêu chuẩn gì?

Trả lời: Đại biểu Hội đồng nhân dân là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, vì vậy tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân là điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

+ Theo quy định tại Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân cần có đủ năm tiêu chuẩn sau:

– Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tự giác làm theo pháp luật mọi nơi mọi lúc, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

– Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế – xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương;

– Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

– Có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

+ Theo quy định tại Văn bản số 01-HD/BTCTW ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, không đưa vào danh sách bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân những người vi phạm Quy định số 57-HD/TW ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

Câu 2: Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Theo quy định tại các điều 36, 38, 39, 40, 41 và 42 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trách nhiệm tham gia vào việc quản lý nhà nước ở địa phương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước;

– Tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân;

– Liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình và chịu sự giám sát của cử tri; có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri;

– Có trách nhiệm báo cáo với cử tri kết quả của kỳ họp Hội đồng nhân dân, phổ biến và giải thích các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng nhân dân thực hiện các Nghị quyết đó;

– Có trách nhiệm trả lời các yêu cầu, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu các khiếu nại, tố cáo của cử tri để kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết;

– Có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp;

– Có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân kịp thời chấm dứt việc làm trái pháp luật, chính sách của Nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của nhân viên cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

– Có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách chung của Nhà nước và những vấn đề thuộc lợi ích chung;

– Có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Hội đồng nhân dân bầu.

Câu 3: Tại sao nói bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cử tri?

Trả lời: Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cử tri, bởi vì:

– Cử tri tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là thực hiện quyền cơ bản về bầu cử và ứng cử của công dân – những quyền chính trị cơ bản trong một nhà nước dân chủ được Hiến pháp quy định.

– Thông qua bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri vừa thực hiện quyền chính trị của công dân đồng thời thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương bằng việc lựa chọn, giới thiệu và bầu người được nhân dân tín nhiệm vào Hội đồng nhân dân – cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. 

Câu 4: Thẻ cử tri của công dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 19 Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

– Thẻ cử tri của công dân ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập danh sách cử tri ký tên và đóng dấu.

– Thẻ cử tri của quân nhân ở đơn vị vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị ký tên và đóng dấu.

– Đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký tên, đóng dấu thẻ cử tri của những công dân này.

Câu 5: Những người tạm vắng khỏi nơi cư trú kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu vì các lý do khác nhau thì ghi tên vào danh sách cử tri ở đâu để thực hiện quyền bầu cử?

Trả lời:  Đối với cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm việc, đi thăm người thân, đi du lịch:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 1020 /2011/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm việc, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mới đến Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác” do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, tham gia bỏ phiếu ở nơi đó và được tính vào tổng số cử tri ở nơi mới đến.

Nếu họ chưa có Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác” thì Uỷ ban nhân dân cấp xã yêu cầu những người này liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp xã  hoặc chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận “Đi bỏ phiếu nơi khác” để được bầu cử ở nơi mới đến.

– Đối với công dân Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân hoặc định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bỏ phiếu hai mươi bốn giờ: Đến Uỷ ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri để được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú); được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký hộ khẩu tạm trú).

Câu 6: Trường hợp nào thì cử tri được nhờ người khác viết hộ phiếu bầu? Người được nhờ viết phiếu hộ có trách nhiệm gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 50 của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu.

Người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì cử tri có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

CÁC MỐC THỜI GIAN BẦU CỬ

– Chậm nhất ngày 07/02/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử):

+ Thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố;

+ Thành lập Ủy ban bầu cử cấp huyện, Ủy ban bầu cử cấp xã.

– Chậm nhất là ngày 17/02/2021 (95 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

– Khoảng từ ngày 22/02/2021 đến 27/02/2021 (85 – 90 ngày trước ngày bầu cử): Các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia.

– Chậm nhất ngày 04/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử):

+ Công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

+ Công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.

– Chậm nhất ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử):

+ Thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội;

+ Thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.

– Chậm nhất là 17 giờ ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử): Kết thúc việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử.

– Chậm nhất là ngày 19/3/2021 (65 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ 2.

– Chậm nhất ngày 03/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử): Thành lập Tổ bầu cử.

– Ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử): Niêm yết danh sách cử tri.

– Chậm nhất là ngày 18/4/2021 (35 ngày trước ngày bầu cử): Hội nghị hiệp thương lần thứ 3.

– Chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử): Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.

– 10 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 13/5/2021): Ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

– Trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ (tức ngày 22/5/2021): Kết thúc vận động bầu cử.

– Ngày 23/5/2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

– Chậm nhất là ngày 02/6/2021 (10 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.

– Chậm nhất là ngày 12/6/2021 (20 ngày sau ngày bầu cử): Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội.

– Các địa phương tiến hành tổng kết cuộc bầu cử từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22/6/2021.

Nguồn: thuvienphapluat.vn

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 3 năm 2021

Prev article

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 3 năm 2021
Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 5 năm 2021

Next article

Tài liệu sinh hoạt Chi Đoàn tháng 5 năm 2021

Related article

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn
20/05/2021

Kỹ năng cơ bản của người cán bộ Đoàn