Khi khái niệm toàn cầu hóa đã ngày càng trở nên thông dụng, thì nó cũng gặp phải sự mơ hồ, hiện tượng nghịch lý, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa. Các chuyên gia ở những lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, thông tin - truyền thông, công nghệ... là những người đầu tiên đề cập đến toàn cầu hóa và đưa ra một lý thuyết về tính toàn cầu. Trên thực tế, xu thế này đã đưa lại không ít thành tựu, đó là sự hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực, sự bùng nổ thông tin, vấn đề dân chủ hóa các sản phẩm thông tin đại chúng.v.v.. Nhưng, nguy cơ san bằng, đồng nhất hóa các chuẩn mực, các hệ giá trị của mỗi quốc gia - dân tộc mà loài người đã và đang e ngại một “mẫu hình văn hóa đồng phục” là có thật. Những khuynh hướng ngạo mạn, coi thường nhân tố dân tộc, đề cao thế giới một cực, tâng bốc sức mạnh quân sự, quyền lực kinh tế... để đi đến khẳng định một “nền văn văn hóa có thiên hướng toàn thế giới”, một lối sống toàn cầu theo mô hình “thế giới Mỹ” là không thể chấp nhận được.
Nhân loại đang cảnh giác! Từ “Tuyên bố về những chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì tại Mexico (1982) đến Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa vì sự phát triển (Stockholm - Thụy Điển, 1998); từ Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa các nước không liên kết (Colombo - Sri Lanka, 1997) đến những hội thảo, hội nghị quốc tế về toàn cầu hóa và việc xây dựng bản sắc cộng đồng... các nhà hoạt động văn hóa đều thừa nhận tính khác biệt và tính đa dạng của văn hóa các dân tộc. Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hóa vì sự phát triển ở Thụy Điển năm 1998 ghi nhận 12 điểm cam kết, trong đó ở điểm thứ 11 nói rõ: “Việc bảo vệ các nền văn hóa bản địa và khu vực bị đe dọa bởi quá trình toàn cầu hóa, không được biến các nền văn hóa thành các di tích và làm cho văn hóa bị tước đi sức sáng tạo của sự phát triển năng động của chính mình”. Trong 5 mục tiêu, chính sách, khuyến nghị với các chính phủ, ở Mục tiêu I, điểm 7 nhấn mạnh: Hợp tác quốc tế và khu vực trong các hoạt động văn hóa nhằm vượt qua các thách thức của quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa và các thay đổi của khoa học công nghệ đang diễn ra. Xem vậy mới biết việc khơi dậy những giá trị truyền thống, phát huy chúng nhằm đối lập với những phản giá trị, phân biệt những giá trị thật và giá trị mạo nhận là vô cùng cấp bách, để sau cùng xây dựng một hệ giá trị chuẩn mực trước thực trạng rối loạn giá trị, chuyển đổi giá trị do sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa gây nên. Người ta nói toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi, quả không sai.
Bản sắc dân tộc và hội nhập thế giới là một nội dung rất rộng mang tính lịch sử; ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau có những bổ sung khác nhau để phù hợp với xu thế phát triển và phép biện chứng giữa hai phạm trù nói trên. Ở đây xin nói thêm hai điều:
Một là, giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc đã và đang đi vào đời sống một cách sôi động từ chính sách vĩ mô cho đến công việc vi mô, nhất là trong giai đoạn 15 năm đầu của sự nghiệp đổi mới. Chính sách văn hóa bao giờ cũng là một thực thể động. Làm thế nào để xác định hướng cần và đủ cho hoạt động văn hóa hôm nay? Khi đề cập đến cấu trúc ba giai đoạn của văn hóa dân tộc: giai đoạn cấu trúc ổn định; giai đoạn giải cấu trúc và giai đoạn tái cấu trúc, cần tính đến điểm xuất phát, tính bền vững của các giá trị; đồng thời phải có tầm nhìn văn hóa khoáng đạt và tính cởi mở để hội nhập và giao lưu. Hiện nay trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền văn hóa chúng ta đang ở giai đoạn hai: sự khơi dậy và những giá trị truyền thống song hành với sự tiếp biến các dòng chảy văn hóa ngoại lại; mục tiêu định hướng chân, thiện, mỹ trong sáng tạo văn hóa vấp phải sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường vào lối sống, lối suy nghĩ, cách làm ăn...
Vì vậy, cần ý thức sớm sự chuyển hóa giữa các mặt đối lập trong hoạt động văn hóa, giữa bảo tồn văn hóa dân tộc và giao lưu, giữa bản sắc dân tộc và yếu tố lạ, giữa cái được và cái mất, giữa tính định hướng và tình trạng hỗn độn của thị trường, nhất là thị trường văn hóa.v.v..; cần khắc phục: phương châm nặng về nhận, nhẹ về cho, chỉ chú ý tới một số nước thuận giao lưu, nuôi hy vọng chỉ muốn được mà không muốn mất, chỉ thấy cái hay của người mà không thấy cái dở, cái không phù hợp với ta. Từ nhiều năm nay, công việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống đã có nhiều thành tựu lớn và đang đi vào đời sống một cách sôi động. Nhưng, sự yếu kém về tri thức quản lý, thiếu cơ chế đấu tranh chống phục cổ nệ cổ đã gây nên làn sóng tự phát ồ ạt của một bộ phận dân chúng đối xử thô bạo với di sản văn hóa dân tộc. C.Mác nói: “Văn hóa, nếu như nó phát triển một cách tự phát thì sẽ để lại sau lưng một hoang mạc”. Kết quả là nhiều lễ hội bị thương mại hóa; không ít chùa chiền trở thành nơi trú ẩn của những thân phận si mê, cuống tín; nhiều đồ cổ quý giá bị đánh cắp và trở thành hàng hóa của những kẻ bất lương.v.v..
Hai là, trong quá trình giao lưu, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của thế giới cần lưu ý: ưu tiên những tinh hoa phù hợp với tâm lý, thị hiếu tích cực, tiến bộ của đại đa số dân chúng, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta. Không vậy thì có khi lợi bất cập hại. Đọc một vài tiểu thuyết thuộc khuynh hướng hiện thực huyền ảo ở châu Mỹ, loại sách kinh dị của Stephen King, của Edgar Poe (Mỹ), không phải ai cũng có thể tiếp nhập một cách có lợi hoặc phân biệt được cái hay và điều cần tránh như các nhà nghiên cứu. Làm công tác văn hóa mà không nghĩ tới điểm xuất phát, mặt bằng dân trí của quần chúng nhân dân là dễ phiêu lưu, xa thực tế. Có lần, trong một cuộc hội thảo bàn về chống văn hóa độc hại, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa đã nêu một thực trạng: hiện nay, nhân viên hải quan, thuế, bộ đội biên phòng ở các cửa khẩu không phải ai cũng phân biệt được tranh của các danh họa thời kỳ Phục hưng, tranh - tượng Rodin (Rôđanh), tranh về đề tài phụ nữ của họa sĩ cộng sản Ý Gúttuđô với tranh lõa thể đang bày bán la liệt ở các chợ trời nhiều nước. Đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại mà thiếu tri thức về đối tượng, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, nhất là thiếu cơ chế đồng bộ thì cuộc đấu tranh sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí là vô hiệu.
Nguồn: Tỉnh Đoàn Khánh Hòa
Một số hình ảnh