Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội; chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh từ trẻ cho đến người lớn tuổi ở đâu, ngồi đâu, trên tay cũng cầm chiếc điện thoại thông minh lướt website, nắm tình hình trong nước và thế giới, nếu chúng ta không có sự lựa chọn để rồi có thể vào những trang website “đen” rồi phải thốt lên rằng chế độ này sao nhiều tiêu cực thế?… Internet và mạng xã hội có tầm ảnh hưởng lớn đến người dân Việt Nam, trong đó có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Lợi dụng sự phát triển nhanh chóng này mà các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều thông tin sai trái, xấu, độc trên mạng xã hội nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì thế, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân hiện nay là cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong việc chuyển tải thông tin.
Hiện nay, internet và các trang mạng xã hội rất khó quản lý, giám sát và kiểm duyệt. Việt Nam đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo,… lớn nhất thế giới. Vì vậy, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đối với nước ta. Tác hại của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội Facebook có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, tạo ra sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hệ lụy của nó ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội.
Các thế lực thù địch lợi dụng internet, website và mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc, thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Thông qua internet, mạng xã hội, chúng đẩy mạnh tấn công tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân khi đất nước tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng như: Đại hội, bầu cử ở các cấp; ban hành các luật, Việt Nam tham gia các hội nghị quan trọng của LHQ,... từ đó chúng kích động, lôi kéo Nhân dân tham gia biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian qua, các thế lực phản động tăng cường sử dụng internet, mạng xã hội để móc nối, cấu kết với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tha hóa, biến chất nhằm lôi kéo, mua chuộc, tạo lực lượng chống phá từ bên trong. Trong đó, số bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước. Đặc biệt, chúng lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các clip, tài liệu xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo đất nước,... nhằm phá hoại nội bộ, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, dẫn đến hoang mang, hoài nghi, suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá nước ta, đặc biệt là Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và mới đây nhất là Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế như: thông tin nội bộ của nhiều tổ chức và cá nhân chưa được bảo mật tốt; công tác tuyên truyền, định hướng và đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch chưa kịp thời. Năng lực đội ngũ cán bộ còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để phát hiện, thu thập chứng cứ và thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh còn gặp nhiều khó khăn.
Để làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, của các thế lực phản động trong và ngoài nước trên mạng xã hội, thiết nghĩ, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Từ đó, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy rõ những tác động tích cực và tiêu cực của internet và mạng xã hội; nâng cao khả năng nhận diện với các thông tin xấu, độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội. Đồng thời, xây dựng phong cách văn hóa khi tham gia trên không gian mạng; có ý thức cảnh giác, không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia….
Hai là, nắm tình hình, tâm tư, tình cảm, những vấn đề bức xúc của cán bộ và Nhân dân trước các vấn đề được đăng tải trên mạng xã hội có liên quan đến tình hình đất nước; phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng, chỉ cập nhật những thông tin chính thống, không xem và chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng.
Ba là, cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập theo phong cách Hồ Chí Minh; công tác tuyên truyền cần thường xuyên trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp trên để tổ chức cung cấp kịp thời cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để từ đó đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên mạng internet, mạng xã hội.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội phải thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị công tác. Qua đó, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình,… không để đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, dụ dỗ mà cố ý hoặc vô tình ủng hộ, chia sẻ, lan truyền những thông tin phản động, độc hại trên mạng xã hội.
Năm là, trên cơ sở nắm vững và tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần sử dụng trang mạng xã hội như một kênh thông tin, tuyên truyền những thông tin chính thống về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chủ động và thường xuyên tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân trong tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Đấu tranh phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Lợi dụng các ưu thế của mạng xã hội, chúng càng ráo riết, quyết liệt hơn trong việc chống phá chế độ ta, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; phải luôn xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch trên không gian mạng.
Đặc biệt, cần tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 47 về những điều đảng viên không được làm; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, phải thể hiện chính kiến của mình trước những thông tin trái chiều. Đồng thời, giáo dục cho cán bộ nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, phản động trên các trang mạng xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tự sàng lọc thông tin, không sử dụng các trang mạng có nội dung xấu, độc./.
Tác giả: Kim Ngân