“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Muốn bảo vệ được nền tảng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội thì việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nòng cốt và đào tạo nguồn nhân lực truyền thông trẻ - đội ngũ kế cận là giải pháp mạng tính nguyên tắc.
CHUYỂN ĐỐI SỐ VÀ YÊU CẦU MỚI ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC TRUYỀN THÔNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí vừa có cơ hội lớn cho sự chuyển đổi và phát triển, đồng thời cũng đứng trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Sự tích hợp và giao thoa giữa các thành tựu công nghệ số như Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big-data) đang tạo ra một xã hội thông tin trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi cả về phương thức sản xuất dẫn đến yêu cầu mới về lực lượng sản xuất thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số. Bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển đổi từ lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc truyền thống sang lối tư duy, thái độ, cách sống, cách làm việc với các phiên bản số của các thực thể và sự kết nối của chúng trong không gian số. Chuyển đổi số không đơn giản là quá trình số hoá (digitization) - việc chuyển đổi vạn vật sang các định dạng số; mà hơn thế nữa là xây dựng mô hình hoạt động số (digitalization), chẳng hạn như mô hình hội tụ cho cả một thiết chế truyền thông của quốc gia, bộ ngành, địa phương, hay một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; và quan trọng hơn là thực hiện chuyển đổi (transformation), trong đó diễn ra quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các quốc gia, bộ ngành, địa phương… nhằm vận hành, thực thi mô hình hoạt động số ấy.
Chuyển đổi số góp phần phát triển các mô hình toà soạn của tất cả các thiết chế truyền thông trong hệ thống chính trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các dòng sản phẩm truyền thông đa phương tiện và đa nền tảng, tức là phát triển nội dung số và công chúng số.
Tình trạng thông tin sai lệch, xuyên tạc, các luận điệu sai trái, thù địch ngày càng dày đặc trên không gian mạng hiện nay đang đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tập trung lực lượng vào” trận địa” là các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng trên mạng xã hội.
Yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay là thay đổi tư duy chiến lược, xác định rõ mối quan hệ giữa mô hình tổ chức, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông sáng tạo; xác định rõ nguồn nhân lực và yêu cầu đối với nguồn nhân lực tổ chức, triển khai các chương trình, chiến dịch truyền thông này trong thực tế.
Nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch cần có phẩm chất và năng lực báo chí sáng tạo và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng đáp ứng yêu cầu ở tất cả các vị trí trong quy trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh, phát hành sản phẩm báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí, các tổ chức và doanh nghiệp truyền thông, tương ứng với bốn khu vực: 1) Nhân lực cho khu vực sản phẩm - dịch vụ. Mỗi cơ quan báo chí và cơ sở truyền thông, căn cứ vào tính đặc trưng của mảng nghiệp vụ, kênh phân phối sản phẩm, phân khúc thị trường và công chúng, có nhiệm vụ xây dựng, xác định giá trị và giá trị sử dụng của cả hệ thống sản phẩm dịch vụ, từng dòng sản phẩm dịch vụ và từng sản phẩm dịch vụ. 2) Nhân lực cho khu vực hoạt động nghiệp vụ, bao gồm phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, biên kịch, đồ hoạ, lập trình viên, nhân viên phân tích, xử lý dữ liệu, quản trị mạng, an ninh mạng… và cộng tác viên, thành viên thuộc mạng lưới đối tác; có nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ quá trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông của cơ quan báo chí. 3) Nhân lực cho khu vực công chúng/ khách hàng, bao gồm nhân lực 4 bộ phận: Trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo; Bộ phận Phân khúc thị trường và công chúng; Bộ phận Quan hệ khách hàng; Bộ phận đảm nhiệm các kênh phân phối. Nếu các cơ quan báo chí không có khu vực Sản phẩm - dịch vụ thì công việc kinh doanh (bao gồm chủ yếu là quảng cáo, phát hành) sẽ thuộc khu vực này. 4) Nhân lực cho khu vực tài chính. Các cơ quan báo chí và doanh nghiệp truyền thông triển khai các mô hình kinh doanh số, nhân lực ở khu vực này cần đủ năng lực đảm nhiệm về tài chính của tổ chức với các mô hình kinh doanh mới.
Cần phân tích và xác định cụ thể vai trò của từng nhóm, từng vị trí công việc trong các nhóm nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cũng như yêu cầu về phẩm chất, năng lực của từng vị trí công việc tương ứng. Các cán bộ nòng cốt cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên 7 nhóm kiến thức và kỹ năng: 1) Lý luận chính trị; 2) Ngoại ngữ, trong đó Tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc; 3) Kiến thức và kỹ năng về tin học và công nghệ thông tin; 4) Cơ sở pháp lý (luật và các văn bản quy phạm pháp luật); 5) An toàn thông tin và an ninh truyền thông; 6) Phân tích, nhận diện và xử lý các nội dung thông tin sai lệch, xuyên tạc, phản bác luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội; 7) Kiến thức chuyên sâu về báo chí, truyền thông; mô hình quản lý, nguyên tắc và giải pháp quản lý thông tin truyền thông.
Ngoài những yêu cầu chung về kiến thức, kỹ năng nêu trên, có yêu cầu riêng biệt đối với từng nhóm chủ thể nòng cốt. Với 3 nhóm: 1) Nhóm chủ thể thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, 2) Nhóm chủ thể thuộc trụ cột Nhà nước và Chính phủ, 3) Nhóm trụ cột thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân: cần có nhận thức đúng đắn và đủ năng lực lãnh đạo và quản lý các cơ quan báo chí và hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng thuộc hệ thống chính trị theo mô hình chuyển đổi số. Với nhóm trụ cột là các thiết chế truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí và hệ thống cổng thông tin điện tử các cấp thì ngoài yêu cầu tư duy chiến lược về sự phát triển báo chí truyền thông theo mô hình chuyển đổi số, cần có hiểu biết sâu và toàn diện, năng lực tổ chức, triển khai báo chí đa nền tảng, ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất, phân phối các dòng sản phẩm truyền thông sáng tạo, sản phẩm truyền thông đa phương tiện và đa nền tảng trên môi trường số.
VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC TRUYỀN THÔNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu cấp thiết và cấp bách của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh chuyển đổi số với sự hạn chế về năng lực chuyên môn nói chung, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ số nói riêng.
Một trong những chỉ báo đo lường về năng lực của chủ thể quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay chính là điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ ở đơn vị quản lý thông tin, truyền thông mạng xã hội, bao gồm: Hội tụ về công nghệ; Đa nền tảng; Đa phương tiện; Có nền tảng dữ liệu lớn; Có phần mềm phân tích nội dung số và lắng nghe mạng xã hội; Đảm bảo nguồn nhân lực cho việc vận hành trung tâm dữ liệu và công nghệ truyền thông; Có nền tảng kỹ thuật và công nghệ tương thích với nhau; Có sự phối hợp giữa các bộ phận tại các cơ quan thông tin truyền thông (Bộ/sở Thông tin truyền thông) và các Trung tâm trong tổ chức, thực hiện. Kết quả khảo sát của Viện Báo chí cho thấy: tiêu chí phối hợp được đánh giá với tỷ lệ cao nhất nhưng các điều kiện về nền tảng kỹ thuật và công nghệ lại được ghi nhận với tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là các điều kiện nền tảng kỹ thuật và công nghệ như nền tảng dữ liệu lớn, hội tụ về công nghệ, đa nền tảng, phần mềm phân tích nội dung số và lắng nghe mạng xã hội hầu như chưa được ghi nhận là có. Điều này làm rõ hơn đánh giá về năng lực cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ ở cơ quan chủ quản quản lý thông tin, truyền thông trên mạng xã hội hiện nay còn thiếu và yếu.
Thứ hai, thiếu chiến lược tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng dưỡng nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số hiện nay.
Thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết chỉ đạo quyết liệt đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác bồi dưỡng cho cấp uỷ, Ban chỉ đạo 35 các cấp nói chung và lực lượng nòng cốt nêu trên đã được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng truyền thông về lĩnh vực này. Học viện Báo chí và Tuyên truyền - nơi đào tạo 2 nhóm ngành chính là Lý luận chính trị và Báo chí truyền thông - là cơ sở đào tạo có thế mạnh lớn trong đào tạo nguồn nhân lực truyền thông báo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhưng ngoài chuyên ngành Truyền thông chính sách mới tuyển sinh gần đây thì phần giao thoa giữa 2 nhóm ngành này là quá ít, dẫn tới sản phẩm đào tạo hoặc chuyên về báo chí truyền thông, sản xuất sản phẩm truyền thông tốt nhưng thiếu phẩm chất và năng lực chuyên biệt về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù đich. Ngược lại, sinh viên ngành lý luận chính trị thì không được trang bị tốt năng lực sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất sản phẩm số phục vụ “tác chiến” trên không gian mạng. Rõ ràng, chúng ta thiếu một chiến lược tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng dưỡng nguồn nhân lực truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số hiện nay.
Thứ ba, còn nhiều hạn chế trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông, chưa đầu tư mạnh vào đào tạo lực lượng kế cận là sinh viên.
Cả 4 nhóm cán bộ nòng cốt hiện đang công tác mới được đào tạo bài bản ở một vài lĩnh vực cụ thể. Đề án 35 của các cơ quan Trung ương và địa phương đã dành ngân sách cho bồi dưỡng nhân lực, nhưng thời lượng các khoá bồi dưỡng còn ngắn, chủ yếu cung cấp thông tin về vấn đề chứ chưa thể đi sâu vào 7 nhóm kiến thức và kỹ năng tối cần thiết đã nêu trên.
Đối tượng bồi dưỡng trình độ đầu vào không đều nhau, phần lớn là không còn trẻ, nên việc tiếp cận với lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là thực hiện học tập qua thực tế là khó khăn hơn nhiều so với sinh viên đại học còn trẻ, có kiến thức nền tảng tốt và có khả năng thích ứng nhanh trong môi trường số.Hiện nay ở Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo, trong đó điển hình nhất
Đối tượng đào tạo cho nguồn nhân lực kế cận là các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh các ngành lý luận, công an, quân đội, báo chí, công nghệ thông tin, báo chí truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng. Trừ chuyên ngành truyền thông chính sách, các ngành đào tạo về công nghệ thông tin, báo chí truyền thông có thị trường rộng mở, sức hút từ các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp truyền thông thuộc ngành công nghiệp truyền thông, công nghiệp văn hoá và giải trí là quá lớn. Do nhu cầu thị trường nhân lực nghiêng về cơ quan báo chí và lĩnh vực doanh nghiệp hay kinh tế báo chí truyền thông nên nội dung, vị trí việc làm tương thích sẽ dẫn đến tình trạng số sinh viên ra trường chọn làm việc trong lĩnh vực truyền thông chính sách sẽ ít đi. Năng lực về công nghệ truyền thông chính sách cũng không đạt yêu cầu cao như năng lực ứng dụng công nghệ đối với lĩnh vực báo chí hay doanh nghiệp.
Dù đã có nhiều nỗ lực lớn trong dầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ trong đào tạo công nghệ truyền thông, nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn còn phải đối mặt với tính bắt buộc trong đào tạo thực hành công nghệ truyền thông. Việc đi thực tế, thực tập nghề nghiệp của sinh viên là một thách thức rất lớn bởi trong thực tế chưa có nhiều các thiết chế truyền thông chính sách có đủ điều kiện về nhân lực hướng dẫn, mô hình công nghệ truyền thông chính sách, nền tảng công nghệ truyền thông chính sách tiên tiến, do đó việc tổ chức đào tạo kỹ năng nghề nghiệp là một khó khăn không nhỏ.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số hiện nay, cần quan tâm:
Về giải pháp chung, nghiên cứu, đề xuất chiến lược tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông trước thách thức của chuyển đổi số là yêu cầu tiên quyết. Xây dựng chiến lược và mô hình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng tất cả các vị trí việc làm với 4 nhóm nhân lực mô hình của toà soạn báo chí sáng tạo và truyền thông đa nền tảng. Xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng với từng vị trí công việc, thực trạng năng lực đào tạo, bồi dưỡng của từng đơn vị đào tạo bồi dưỡng báo chí, truyền thông trong cả nước. Xây dựng và triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng đối với hệ đào tạo đại học, sau đại học và các chương trình bồi dưỡng với 4 nhóm chủ thể trụ cột bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cả nước. Đầu tư chiến lược xây dựng và thực thi mô hình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trẻ, đội ngũ kế cận có năng lực thực hiện và quản lý các đề án báo chí truyền thông số trong cả nước,
Đổi mới toàn diện, đồng bộ hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nòng cốt và đào tạo nguồn nhân lực trẻ - đội ngũ kế cận bảo vệ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, với các yếu tố căn bản: mục tiêu, nội dung, mô hình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí và quản lý báo chí. Trước hết, cần xác định rõ mục tiêu đào tạo: đào tạo chủ thể truyền thông chính sách trong yêu cầu về năng lực công nghệ và năng lực sáng tạo nội dung. Thứ hai, phân khúc và chuyên biệt hoá quá trình đào tạo và bồi dưỡng. Rà soát, nghiên cứu và đổi mới nội dung đào tạo, chương trình đào tạo theo phương châm: bám sát và cụ thể hóa hơn nữa dựa trên thang đo chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực nghề nghiệp và tầm nhìn, phẩm chất, năng lực của chuẩn đầu ra. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cân đối lý luận và thực tiễn báo chí truyền thông hiện đại, tránh nặng rao giảng lý thuyết cũ mòn hoặc chỉ nặng về chuyên môn nghiệp vụ báo chí thuần túy, trong đó các yếu tố cốt lõi bao gồm phẩm chất chính trị - phẩm chất nghề nghiệp; chuyên môn - nghiệp vụ; kỹ thuật - công nghệ; năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực quản lý, quản trị toà soạn đa nền tảng, đa phương tiện. Nhanh chóng đổi mới nội dung đào tạo tương thích với sự đổi mới hàng ngày của các nền tảng và xu hướng ứng dụng công nghệ truyền thông, đổi mới cơ chế nhằm đầu tư hiệu quả vào công tác nghiên cứu, xây dựng giáo trình và tài liệu học tập về lĩnh vực này. Chuẩn hóa và thường xuyên đổi mới, cập nhật chương trình, nội dung đào tạo... Thứ ba, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông, tăng cường mô hình Câu lạc bộ thanh niên xung kích truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.
Về giải pháp cụ thể, trên cơ sở những vấn đề đặt ra đã nêu trên, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể:
Một là, nghiên cứu nhu cầu và xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Hai là, phân khúc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tính hệ thống, phù hợp với mục tiêu đào tạo và đầu vào của quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
Ba là, đổi mới mục tiêu và nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, đảm bảo đáp ứng kịp thời năng lực tối cần thiết để học đảm nhiệm yêu cầu công tác(2).
Bốn là, đổi mới đào tạo giảng viên, chuyên gia, đặc biệt là với các khoá đào tạo Cử nhân tài năng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Cần xây dựng và thực thi chiến lược đầu tư đạo tạo, bồi dưỡng cả năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức, triển khai mô hình đào tạo 4.0 cho đội ngũ giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực này.
Năm là, đổi mới phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp và hình thức đào tạo các học phần lý luận, chính trị và các khoá bồi dưỡng ngắn hạn theo hướng học thực tế và ứng dụng trực tiếp vào thực tế công tác. Cần đào tạo văn bằng hai cho các cán bộ nòng cốt để hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng cơ bản phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Cần phát triển song song đào tạo chính khoá và ngoại khoá, đổi mới phương thức tổ chức, thực hiện các hoạt động bồi dưỡng, tăng cường phương thực học tập thực hành, xác định rõ chuẩn đầu ra cả lý thuyết và thực hành với các khoá bồi dưỡng dành cho lực lượng nòng cốt.
Sáu là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Để các giải pháp trên được thực thi hiệu quả, cần tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức các khoá đào tạo văn bằng hai các ngành đào tạo: báo chí, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, truyền thông chính sách; thạc sĩ Quản lý công tác tư tưởng, Báo chí, Quản lý báo chí truyền thông ở các cơ quan địa phương nhằm đảm bảo đào tạo tại chỗ một cách bài bản cho đội ngũ cán bộ nòng cốt. Cần tập trung cho hoạt động bồi dưỡng chuyên sâu về báo chí chính luận và báo chí điều tra(3) cho đội ngũ nòng cốt, đặc biệt là ở các cơ quan báo chí nhằm nâng cao vai trò của báo chí trong đấu tranh ngăn chặn các luận điệu sai trái, thù địch; góp phần xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trân lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm giải pháp hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên, chuyên gia và các cơ sở đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này./.
PGS. TS. ĐỖ THỊ THU HẰNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một số hình ảnh