Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đồng chí Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi; đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Các Bí thư Trung ương Đảng: Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc thi cho biết, ngay sau khi phát động ở cấp Trung ương, Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các tỉnh ủy/thành ủy/đảng ủy trực thuộc Trung ương, của Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo các cấp. Tất cả các tỉnh ủy/thành ủy/đảng ủy trực thuộc Trung ương đã triển khai Cuộc thi rất rộng rãi, xuống đến cơ sở và lan tỏa ra nước ngoài, với 32/67 đầu mối tổ chức Cuộc thi và trao giải, các đơn vị khác có văn bản phát động tại địa phương. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông lớn tích cực tuyên truyền từ sớm và liên tục về Cuộc thi. Nhiều đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nòng cốt.
Kết quả nổi bật năm nay là số lượng tác phẩm dự thi rất lớn, với 468.792 tác phẩm. Nét mới năm nay là sự tham gia đông đảo của thanh niên, học sinh, sinh viên, với 35.000 tác phẩm. Cuộc thi còn thu hút được 610 tác phẩm của người Việt Nam đang công tác, học tập ở nước ngoài, 13 tác phẩm của người nước ngoài, trong đó có những bài viết về đặc trưng của mô hình phát triển Việt Nam, về các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất có giá trị trong tuyên truyền đối ngoại. Cuộc thi là phương thức quan trọng góp phần xây dựng "thế trận lòng dân", phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
"Cuộc thi góp phần phát triển mặt trận đấu tranh rộng khắp, có hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua từng năm, chất lượng các tác phẩm dự thi ngày càng nâng cao. Năm nay, các tác phẩm đồng đều hơn, bám sát các vấn đề thời sự nổi bật. Tuy chưa có tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải Đặc biệt, nhưng đã có nhiều tác phẩm nổi trội từ cách chọn vấn đề, đặt tên chủ đề, lập luận và kiến giải một cách khoa học, chặt chẽ, lôi cuốn", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đề cao trách nhiệm, đạt nhiều kết quả trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và có nhiều đóng góp cho thành công của Cuộc thi; nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được nhận giải thưởng hôm nay.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, sau 40 năm đổi mới, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi có tính thời đại, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xuất phát từ quy luật phát triển, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ XHCN ở Việt Nam, chúng tập trung phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là "khâu đột phá", "mặt trận quyết định".
Để phát huy cao nhất giá trị Cuộc thi, tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị 4 vấn đề:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng - lý luận chính trị; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nhiệm vụ hệ trọng của cả hệ thống chính trị trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt, liên tục, không ngừng nghỉ và không khoan nhượng; mọi biểu hiện lơ là mất cảnh giác, thỏa hiệp, non kém về chính trị, buông lỏng trận địa đấu tranh tư tưởng - lý luận đều có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Từ đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 35 với những cách làm sáng tạo, khoa học, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, chấp hành kỷ luật phát ngôn gắn với chủ động thông tin định hướng dư luận. Bảo đảm an ninh tư tưởng, văn hóa, thông tin, truyền thông, an ninh mạng; quản lý báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ; phòng, chống, xử lý tin giả, tin sai sự thật. Chủ động triển khai các mặt công tác trên không gian mạng gắn với đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Thứ hai, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải gắn chặt với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân là yếu tố then chốt nhất. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc ngay từ cơ sở; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, giảm thiểu nguyên nhân, điều kiện mà các hệ loại đối tượng có thể lợi dụng xuyên tạc chống phá. Đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những cá nhân có hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật.
Thứ ba, kiên định, bảo vệ đi đôi với bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới; xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận cơ bản về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn cách mạng mới. Những nội dung này cần tập trung thực hiện ngay trong quá trình chuẩn bị văn kiện đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ XIV của Đảng, tạo cơ sở đưa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Thứ tư, xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với củng cố thế trận lòng dân trên cơ sở thế trận quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc. Phát huy vai trò của cấp ủy các cấp, nòng cốt là Ban Chỉ đạo 35 từ Trung ương đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các công tác bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng lực lượng nòng cốt, tiên phong, sắc bén, tinh nhuệ; xây dựng "công dân số" có kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", "thấy đúng thì bảo vệ", "thấy sai thì kiên quyết đấu tranh", chủ động tham gia phát triển nền kinh tế số, xã hội số và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc của đồng bào ta ở nước ngoài, mỗi người là "sứ giả" lan tỏa văn hóa, con người Việt Nam, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương trao giải B cho tác giả, nhóm tác giả |
Phát biểu đáp từ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thay mặt Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Chỉ đạo Cuộc thi khẳng định nghiêm túc tiếp thu, thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng.
Từ kết quả, sự lan tỏa, kinh nghiệm qua 4 lần tổ chức Cuộc thi, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ trao giải, Ban Chỉ đạo Cuộc thi sẽ tổ chức thật tốt Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm.
Chính thức phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ năm, năm 2025, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cấp ủy, Ban Chỉ đạo 35 các cấp tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai Cuộc thi với chất lượng cao hơn, sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, cách thức tổ chức ngày càng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả hơn.
Ban Chỉ đạo Cuộc thi mong muốn nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, đồng bào trong nước, ngoài nước vào bạn bè quốc tế.
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và đồng chí Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao giải C cho tác giả, nhóm tác giả |
Sau khi hoàn thành việc chấm thi, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo đã họp, đánh giá, xem xét kỹ lưỡng từng tác phẩm, lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất và các tập thể tiêu biểu nhất để trao giải, gồm:
* Giải cá nhân: 134 giải. Thể loại Tạp chí 40 giải (04 giải A, 06 giải B, 12 giải C và 18 giải Khuyến khích), trong đó có 01 nhóm tác giả người Italy đạt giải A, 02 tác giả người Lào đạt giải C; thể loại Báo 40 giải (03 giải A, 06 giải B, 11 giải C, 20 giải Khuyến khích); thể loại Truyền hình 20 giải (02 giải A, 04 giải B, 05 giải C và 09 giải Khuyến khích); thể loại Phát thanh 22 giải (02 giải A, 04 giải B, 06 giải C và 10 giải Khuyến khích) và thể loại Video Clip 12 giải (01 giải A, 02 giải B, 03 giải C và 06 giải Khuyến khích). Trong các tác giả đạt giải năm nay, 2 tác giả Phạm Cường, Phương Huyền - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cùng nhóm tác giả Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện An ninh nhân dân; Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng; Trường Đại học khoa học (Đại học Thái Nguyên) đạt giải C.
Ban Chỉ đạo Cuộc thi trao 20 giải triển vọng cho tác giả/nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên có tác phẩm dự thi chất lượng tốt.
* Giải tập thể xuất sắc: 20 giải cho các đơn vị, địa phương tổ chức Cuộc thi sâu rộng, nhiều tác phẩm gửi dự thi cấp Trung ương có chất lượng tốt.
* Ban Chỉ đạo Cuộc thi cũng trao phần thưởng cho tác giả cao tuổi tiêu biểu, tác giả nhỏ tuổi tiêu biểu tham gia dự thi.
|
Một số hình ảnh