Vào những năm đầu thế kỷ XX, đây là thời gian cả dân tộc phải sống trong cảnh tối tăm nô lệ, nhân dân bị đè nén bởi hai tầng áp bức, bóc lột của đế quốc Pháp và chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Dưới ách áp bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp đứng lên chống bọn đế quốc thực dân bằng tất cả tinh thần anh dũng. Trên thực tế các phong trào đấu tranh này đã khiến thực dân Pháp không thể thực hiện được âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, nhưng cuối cùng đều lần lượt thất bại vì chưa có một đường lối kháng chiến đúng đắn. Thất bại của cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp đã đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết: Con đường nào có thể giải phóng dân tộc; lực lượng nào có thể lãnh đạo để đưa công cuộc giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi? Lịch sử đặt ra nhu cầu bức thiết phải có một hệ tư tưởng mới, một đường lối mới đủ sức soi sáng, dẫn dắt con đường đấu tranh cứu nước, giải phóng dân tộc đi tới thành công.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, được nuôi dưỡng trong truyền thống yêu nước và đấu tranh bất khuất của gia đình, của quê hương sông Lam núi Hồng “địa linh, nhân kiệt”, Bác được thừa hưởng trí tuệ uyên bác của người cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và ảnh hưởng, hấp thụ những bài học về lòng nhân ái, đức hy sinh cao cả của mẹ là bà Hoàng Thị Loan. Những năm tháng thơ ấu, Người đã chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đời sống nhân dân lầm than, cơ cực dưới sự thống trị hà khắc và tàn bạo của thực dân Pháp, chứng kiến sự thất bại của các cuộc đấu tranh của nhân dân ở nhiều nơi. Chính hoàn cảnh ấy đã hình thành ở Nguyễn Tất Thành lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, Người quyết tâm phải tìm ra một hướng đi mới cho cuộc cách mạng của dân tộc để cứu dân. Nguyễn Tất Thành đã quyết định sang phương Tây, cụ thể là sang Pháp - nơi có tư tưởng tự do, dân chủ, khoa học và kỹ thuật hiện đại. Năm 1923, Người đã trả lời nhà báo Nga Ôxip Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[1].
Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
Từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc khi vừa 21 tuổi (ngày 5/6/1911) trên con tàu buôn Latouche - Tréville của Pháp với cái tên Văn Ba.
Những nhận thức ban đầu về con đường cứu nước thông qua lao động, nghiên cứu và tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội
Người đã qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới lênh đênh trên con tàu. Văn Ba (sau đổi tên thành ông Nguyễn) đã lao động khổ cực, chứng kiến tất cả những gì lao khổ qua nhiều việc làm khác nhau. Chỉ với đôi bàn tay trắng, Bác đã quyết tâm bằng ý chí “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[2]. Đó là quá trình lao động và học hỏi giúp Nguyễn Tất Thành rút ra kết luận: Thực dân ở đâu cũng thế, chúng rất hung ác và vô nhân đạo, “đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”[3]; nước Pháp có khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng”, ở Mỹ có “Nữ thần Tự do”, còn ở các nước châu Phi đều giống nhau: Nơi đâu có người nghèo như ở xứ mình, họ đều bị bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác. Nguyễn Tất Thành hiểu rõ và đồng cảm với những người dân lao động, với những dân tộc có cùng chung hoàn cảnh như đất nước của mình; dù màu da có khác nhau trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột Người cũng đã rút ra kết luận quan trọng rằng: Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người khẳng định: “Muốn thoát khỏi nô lệ và áp bức bóc lột thì nhân dân lao động toàn thế giới phải cùng đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung”[4].
Người cũng đã nghiên cứu, xem xét Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789). Việc nghiên cứu này đã giúp Người học hỏi được nhiều điều và rút ra kết luận về những cuộc cách mạng tư sản là “những cuộc cách mạng không đến nơi”, khẳng định không đi theo hình mẫu của cách mạng đó, vì rằng “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai…Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[5].
Đến cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp. Tại đây, Người đã được tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ chỗ chưa biết V.I.Lênin là ai, thậm chí còn không biết nước Nga ở đâu, dần dần Người nhận ra rằng: Trên thế giới đã xảy ra một sự kiện lớn lao chưa từng có: Một dân tộc đã lật đổ bọn áp bức bóc lột mình, tự tổ chức quản lý mọi công việc đất nước, không cần bọn chủ và bọn toàn quyền. Việc đó xảy ra ở nước Nga với những người dũng cảm phi thường và người đứng đầu những người dũng cảm ấy là người dũng cảm nhất: V.I. Lênin. Đó là sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, thắng lợi ấy đã mang đến ánh sáng cho nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm, nhận thức và hành động của Nguyễn Tất Thành. Người tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị tại Pháp như: Hội những người Việt Nam yêu nước, phong trào công nhân Pháp. Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp (1919) - một đảng tiến bộ lúc bấy giờ với lý do “chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”[3]. Bên cạnh đó, Người tập viết báo, bắt đầu cộng tác với tờ Dân chúng, cơ quan của Đảng Xã hội Pháp, dần dần viết nhiều và cộng tác với các báo như Đời sống chợ thuyền, Nhân đạo. Công việc này giúp Anh có thể học tập, nâng cao trình độ chính trị, vừa có thể lên tiếng cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thuộc địa. Các bài viết của Người đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp và thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa qua một loạt bài viết: “Vấn đề bản xứ” đăng trên báo L’Humanité - Nhân đạo (2/8/1919); “Đông Dương và Triều Tiên” đăng trên báo Populaire de Paris (4/9/1919); “Thư gửi ông Utơrây” (11/1919); và không lúc nào Người quên Tổ quốc mình đang bị giày xéo và đồng bào mình đang bị áp bức. Tháng 9/1919, phóng viên Mỹ Kim Koei Tche đã có cuộc phỏng vấn Người như sau: “ Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì? Đáp: Để đòi quyền tự do cho dân An Nam. Hỏi: Bằng cách nào? Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên”[6]. Đúng vậy, cái mà Người có chỉ là một tấm lòng yêu nước, thương dân và một ý chí quyết tâm phấn đấu, hi sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc nhưng chưa có nhiều nhận thức về chính trị.
Đòn tư tưởng cho thực dân Pháp
Qua việc tiếp thu chủ nghĩa vô sản của mình, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Người đã gửi tới hội nghị Versailles (VécXây) - Hội nghị của các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất - bản yêu sách của nhân dân An Nam. Đây là kết quả trao đổi, thảo luận của Hội những người Việt Nam yêu nước. Bản yêu sách được viết bằng 3 thứ tiếng: Hán văn, Việt văn và Pháp văn. Bản Pháp văn gửi đến Hội nghị Versailles, ký tên là Nguyễn Ái Quốc. Nội dung bản yêu sách gồm 8 điểm, trong đó có những điểm chính là: “Việt Nam tự trị; Tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do đi lại, đại xá tù chính trị; Quyền lợi bình đẳng giữa người Pháp và người Việt Nam; Bãi bỏ việc ép dân mua rượu và thuốc phiện. Bãi bỏ thuế đinh (người), thuế muối và sưu dịch”[4].
Tài liệu trên khi được đưa tới Hội nghị đã nhanh chóng được công bố tại Pháp do báo L’Humanité (Nhân đạo) xuất bản và được xem là “quả bom chính trị nổ giữa Paris”. Ở Việt Nam, ngay tại Sài Gòn, tờ Le Courrier de Saigon (Tin tức Sài Gòn) cũng in nguyên văn bản yêu sách và viết: “Tài liệu này còn nguy hiểm hơn cả những quả bom đã ném ở Hà Nội hay đặt ở Sài Gòn, bởi vì tài liệu này có khả năng đánh trúng tất cả chúng ta”. Tờ báo này còn khẳng định với giọng điệu của nhà thực dân: “…làm gì có dân tộc Việt Nam… Những kẻ phản đối thực trạng ngày nay không phải là những người yêu nước mà là những tên đế quốc” và kêu gọi những người Pháp, nhà cầm quyền siết tay lại để chống “bọn phiến loạn”. Sự kiện này đã giúp Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ những lời tuyên bố tự do của nhà chính trị tư sản trong lúc chiến tranh thực ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Người nhận ra rằng muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Đối với Việt Nam, bản yêu sách đó là lời cảnh tỉnh, lời thúc giục nhân dân đứng lên đấu tranh chống kẻ thù, đặc biệt là tầng lớp trí thức.
Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Lênin - sự chuyển biến tư tưởng chính trị và lựa chọn con đường cứu nước
Năm 1919, Quốc tế cộng sản (Quốc tế thứ ba) ra đời, trong lúc phong trào công nhân quốc tế đang diễn ra sự phân hóa sâu sắc. Trong Đảng Xã hội Pháp cũng diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt: “Tại sao tranh luận nhiều thế? Trong khi các bạn tranh luận ở đây thì đồng bào chúng tôi đang rên siết ở Việt Nam…”[7].
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp
ở Thành phố Tours tháng 12 năm 1920. (Ảnh tư liệu)
Một đồng chí đã đưa cho Nguyễn Ái Quốc bài vừa đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo), số ra ngày 16 và 17/7/1920 với nhan đề “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. 9 năm sau ngày rời Tổ quốc, Người nhận thấy Lênin đã diễn đạt một cách đầy đủ và sâu sắc những điều mình đang nung nấu. Nguyễn Ái Quốc mừng rỡ đến trào nước mắt và reo lên như đã tìm ra một phát kiến vĩ đại! Dù chỉ ngồi một mình trong căn buồng nhưng Người vẫn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[8] Gần nửa thế kỷ sau, lúc đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người vẫn còn giữ mãi tâm trạng vỡ òa ngày ấy về sự “vui mừng đến phát khóc lên” vì đã tìm được “cái cần thiết” và “con đường giải phóng” cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (SFIO: Section Francaise Internationale Ouvrière) (năm 1920) họp tại thành phố Tua (Tours), Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Đông Dương, là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt trong Đại hội. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, bởi “Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.[9] Sự kiện ấy đã đánh dấu bước ngoặt lớn - sự lựa chọn có tính quyết định nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, từ một chiến sĩ chưa có khuynh hướng chính trị rõ ràng đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc và trở thành chiến sĩ cộng sản. Bằng hành động lịch sử tại Đại hội Tua, tán thành Quốc tế III, hoàn toàn tin theo Lênin và con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc đã mở đường cho cách mạng Việt Nam ra khỏi cuộc khủng hoảng về đường lối, đặt cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản và nhận thức được rằng: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, bóc lột và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.
Với sự tham gia và góp lá phiếu của người dân thuộc địa vào Đại hội của một chính đảng lớn ở chính quốc, nhà sử học người Pháp Charles Fourniau nhận định: “Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân, một truyền thống vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp… Vậy thì hẳn rằng người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sau đó phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”.[10]
Truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; chuẩn bị mọi tiền đề và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc nhận ra rằng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng Cách Mệnh” để “trong thì vận động tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Xuất phát từ nhận thức này, Nguyễn Ái Quốc từng bước truyền bá một cách có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin về nước; ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng ở Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam (thành lập vào mùa xuân 1930) đưa phong trào công nhân và phong trào yêu nước chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác. Những vấn đề cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam được Người xác định qua tác phẩm Đường Kách mệnh (1927); Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng (1930) - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được tiếp tục cụ thể hóa, phát triển sâu sắc hơn trên những chặng đường, những nấc thang hướng tới các mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Trong Cương lĩnh ấy, Người đã đề ra con đường cứu nước cụ thể cho cách mạng Việt Nam “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: Trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ, sau đó đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; trong đó độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng.
Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước, Người đã về nước và cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, đập tan ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - một Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã lựa chọn, cả dân tộc ta đã anh dũng bước vào cuộc các cuộc kháng chiến trường kỳ và vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”. Trước lúc đi xa, dẫu chiến tranh còn ác liệt, đất nước vẫn còn bị chia cắt, nhưng trong Di chúc, Bác đã nhìn thấy vận mệnh Tổ quốc: “Dù có khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta sẽ nhất định thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Bác tin vào con đường của Đảng, của chính mình và nhân dân đã chọn. Niềm tin - chân lý ấy đã trở thành sự thật và được minh chứng bằng sự kiện lịch sử vang dội - Đại thắng mùa xuân năm 1975. Đất nước đã hoàn toàn thống nhất, non sông đã thu về một mối, dân tộc đã được độc lập tự do. Con đường ấy đã làm cho đất nước ta, con người Việt Nam ta thay đổi hoàn toàn, từ thân phận nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước; xã hội Việt Nam từ một xã hội lầm than, vươn lên một xã hội tươi sáng. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Phóng viên Denis Gray của Hãng tin AP đã từng khẳng định: “Việt Nam có thể có những bước thăng trầm nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra từ cuối thế kỷ XIX sẽ tồn tại mãi mãi”.
Như vậy, từ chuyến đi lịch sử của 110 năm về trước, Bác Hồ đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam rực rỡ cho đến ngày hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ngày nay, đất nước đã hòa bình, độc lập, tự chủ và phát triển. Đó là vai trò cao cả của Đảng và cũng là ước mơ, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là làm sao cho nhân dân Việt Nam ta: “Ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có nhà để ở, được học hành…” và dân tộc Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Khát vọng của Người vẫn luôn là niềm thôi thúc các thế hệ thanh niên tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng trong hành trình đưa đất nước tiến lên và hội nhập quốc tế. Tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ, bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học quý báu đối với thế hệ trẻ hôm nay. Các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước luôn nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quyết tâm thực hiện Di chúc của Người và hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra./.
----------------------------------------------------
[1] Báo Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923.
[2] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.11
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.23-24.
[4] Trần Dân Tiên, Sđd tr.24.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập , Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.2, tr.270
[6] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, tr. 69
[7] Trần Dân Tiên, Sđd, tr.46-47
[8] Hồ Chí Minh toàn tập , Sđd, t.10, tr.127
[9] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.112
[10] Theo Nguyễn Phan Quang, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 9/2004.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Học viện Chính trị Khu vực III