Trong bài viết “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa”, bút danh “T.L”, đăng trên báo Nhân dân, số 3176, ra ngày 05 tháng 12 năm 1962, Bác căn dặn: “Việc to cũng như việc nhỏ. Đảng và Chính phủ ta đều lo phục vụ lợi ích của nhân dân”(1).
Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc; Chính phủ là của dân, do dân và vì dân. Vì theo Bác “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2); “Nước lấy dân làm gốc….Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(3).
Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của họa sĩ Vương Trình. Ảnh: toquoc.vn
Tâm nguyện, khát vọng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng vì nhân dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(4); “… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(5).
Bác chỉ rõ trách nhiệm của Đảng với nhân dân: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”(6).
Bác căn dặn cán bộ, đảng viên: Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”(7).
Trước lúc đi xa Bác đã căn dặn toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đảng coi việc “làm đầy tớ” của nhân dân, phục vụ nhân dân, chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là trách nhiệm, là vinh dự và niềm hạnh phúc.
Lời dạy chăm lo phục vụ lợi ích nhân dân của Bác đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ khắc ghi và cụ thể hóa trong Hiến pháp, Pháp luật, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hàng năm; thể hiện trong từng chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trên thực tế, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong gần 35 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công cuộc phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng... Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở nước ta đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua).
Từ năm 2016, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và về đích trước một năm mục tiêu Quốc hội giao. Tính đến hết tháng 8/2020 có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 60,23%), tăng 3.818 xã so với cuối năm 2015 và vượt 10,23% so với mục tiêu 5 năm; không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ đã huy động số vốn từ ngân sách trung ương tới 41.449 tỷ đồng (vốn đầu tư: 29.698 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 11.751 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 4.848 tỷ đồng (vốn đầu tư: 3.452 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 1.396 tỷ đồng)(8). Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống khoảng 2,75% năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, vượt mục tiêu Quốc hội giao(9). An sinh xã hội được đảm bảo, người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ cơ bản của xã hội như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin…
Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo đã được xây dựng, dự kiến phân bổ 100.000 tỷ đồng, bao gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, sẽ tiếp tục đóng góp vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, nhưng với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép” của Chính phủ, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên.
Thủ tướng động viên bà con xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Cùng với những chính sách nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trong đại dịch, Đảng và Chính phủ có chính sách hỗ trợ đối tượng người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng có thu nhập thấp, với số tiền 62.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho 2.244.000 hộ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch với tổng số tiền, hiện vật gần 1.600 tỷ đồng(10). Qua đó không những bảo đảm cuộc sống của người dân, khắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra mà còn thể hiện chính sách đầy nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự chăm lo kịp thời đối với người nghèo, người lao động mất việc làm, thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội.
Đợt bão, lũ lịch sử tại một số tỉnh miền Trung vừa qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân cả trước, trong và sau mưa lũ. Công tác ứng phó được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng vũ trang ở địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, chủ động, bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả, góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại cả về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được phát động và quyên góp 2.400 tỷ đồng, một phần được chuyển về miền Trung, giúp người dân vượt qua kỳ lũ(11).
Do mưa lũ lớn trên diện rộng, bão chồng bão, lũ chồng lũ, vượt quá năng lực ứng phó của thiết chế hạ tầng, của hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính mạng, tài sản, nhà cửa của người dân bị thiệt hại, tổn thất hết sức nặng nề, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Đảng và Chính phủ xác định nhiệm vụ cấp bách nhất là tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm sinh kế, sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân.
Khi đi thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ, thăm bà con địa phương các tỉnh miền Trung cùng với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định Chính phủ luôn quan tâm và tiếp tục sẽ ban hành các chính sách để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, đồng thời yêu cầu địa phương tuyệt đối không để người dân thiếu đói, màn trời chiếu đất; thực hiện miễn viện phí cho các nạn nhân sạt lở đất đang điều trị tại bệnh viện.
Để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về chăm lo lợi ích nhân dân, thời gian tới, mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên cần gắn thực hiện nội dung chăm lo lợi ích nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng và tuyên truyền sâu rộng những cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến, những cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020 và những năm tiếp theo./.
---------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.13, tr.511.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.453
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.501-502
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.187
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.272
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.12, tr.402
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.518
8. http://tapchitaichinh.vn: 48.397 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. 22/9/2016
9. https://www.sav.gov.vn: Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. 21/10/2020
10. https://dangcongsan.vn: Gần 1.600 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống COVID-19. 15/4/2020
11. http://laodongxahoi.net: 2.400 tỷ đồng được ủng hộ tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020. 18/10/2020
Nguyễn Nhâm