Vì vậy, những quan điểm cho rằng Việt Nam “không có dân chủ”, chính quyền “bỏ rơi” người dân… đều là luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới tối 6-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới
Kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam là phải luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Đảng lãnh đạo bằng đường lối phát triển dựa trên những quy luật khách quan, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; khơi dậy và phát huy sự đổi mới, sáng tạo, tham gia của toàn xã hội; phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Thông điệp trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh và bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm vì Covid-19
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 181/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
Thông báo nêu rõ, mục tiêu thống nhất của Chính phủ và Thành ủy trong thời gian tới là: Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố và các tỉnh trong thời gian sớm nhất. Chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân; điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh Covid-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong).
UBND TP Hồ Chí Minh cũng có công văn yêu cầu các các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân trên địa bàn và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Theo Hội Lương thực-Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đã tăng công suất sản xuất lên 50%, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho người dân trong vòng 6 tháng tới.
Một gian hàng 0 đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự chia sẻ của các địa phương khác, thì chính những người ở TP Hồ Chí Minh đang giúp đỡ nhau một cách thiết thực, hiệu quả và đầy tình yêu thương. Những bữa cơm, những túi thực phẩm, những “gian hàng 0 đồng”… đang được các tình nguyện viên, nhà hảo tâm mở ra khắp Thành phố.
Cả hệ thống chính trị đang chung sức đồng lòng giúp người dân vượt qua đại dịch bằng những biện pháp quyết liệt, hiệu quả, đầy ắp nghĩa tình. Hoàn toàn không có chuyện chính quyền “lúng túng”, “lơ là” trong phòng, chống dịch, “bỏ rơi” người dân; càng không phải “thiếu hàng, khan hiếm hàng” dẫn đến nguy cơ “cướp bóc”, “dân nghèo chết đói” như xuyên tạc của một số trang mạng phản động.
“Cần nhìn nhận, đánh giá đúng kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam”
Đó là tiêu đề bài viết trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản, phản bác góc nhìn thiển cận, thiếu thiện chí của một số cá nhân, tổ chức cố tình không thừa nhận những thành quả trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Theo bài viết, theo sát những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã được đưa lên mức độ cao nhất, với những biện pháp quyết liệt, phù hợp và hiệu quả. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương.
Tiểu đoàn Hóa học, Bộ tham mưu Quân khu 9 tổ chức phun khử khuẩn, tiêu độc tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, sáng 10-7, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã được phát động triển khai.
Những thành quả đó là từ sự nỗ lực của mỗi người dân, của các cấp, các ngành, các địa phương, của toàn hệ thống chính trị, nhất là của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như: Y tế, Quân đội, Công an… Đây hoàn toàn không phải là sự “may mắn” như sự xuyên tạc của một số tổ chức, cá nhân. Những ý kiến cố tình phủ nhận thành quả chống dịch của Việt Nam, thực chất là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân trong quá trình phòng, chống dịch
Việt Nam thuộc Top đầu thị trường mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp ASEAN và châu Âu
Ngày 8-7, Ngân hàng Standard Chartered công bố báo cáo cho biết, Việt Nam nằm trong Top đầu các thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN. Theo bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn nhờ nền tảng cơ bản mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Thị trường nội địa Việt Nam ngày càng mở rộng, chi phí lao động thấp, lực lượng lao động dồi dào, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do và có vị trí địa lý chiến lược.
Trước đó, ngân hàng này cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, Việt Nam vẫn là một điểm đến của doanh nghiệp châu Âu. Theo Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) quý I/2021, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam, với hiệu quả hoạt động trong quý II tiếp tục cải thiện. Ngoài những hạn chế về du lịch quốc tế, thì mọi hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Những thông tin trên một lần nữa bác bỏ âm mưu của những phần tử phản động, cơ hội chính trị quen thói “chọc gậy bánh xe” ra sức xuyên tạc, cố tình tạo cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế ở nước ta, phủ nhận thành tựu đất nước đã đạt được sau 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Luận điệu núp bóng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam
Vừa qua, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) ra cái gọi là “Thông cáo” kêu gọi Nhà nước Việt Nam “trả tự do ngay lập tức” cho Lê Văn Dũng (tức Lê Dũng Vova); một số báo, đài nước ngoài còn đưa ra nhiều bài viết với nội dung sai lệch, xuyên tạc một cách trắng trợn bản chất vụ án, nhằm xây dựng hình tượng Lê Dũng Vova thành “nạn nhân” của chính quyền, vì “đấu tranh cho tự do, dân chủ” mà bị khởi tố.
Bị can Lê Văn Dũng
Vạch trần âm mưu này, Báo Công an nhân dân đã dẫn chứng một loạt việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Lê Văn Dũng, qua đó khẳng định việc tên này bị bắt sau hơn một tháng trốn truy nã là cái kết đã được báo trước cho chuỗi thời gian tự xưng nhà báo, học giả, tham gia các hội, nhóm hoạt động chống phá đất nước dưới cái mác dân chủ, cải cách…
Trang Hương Sen Việt cũng khẳng định, Lê Văn Dũng mang quốc tịch Việt Nam, tự xưng là “Nhà báo độc lập”, không được pháp luật công nhận, sử dụng những ứng dụng internet để chuyển tải những bài viết, hình ảnh xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, phỉ báng, chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động bạo lực, tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoang mang trong nhân dân. Đó là hành vi vi phạm pháp luật. Việc cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam tiến hành điều tra, truy nã, bắt giữ Dũng là đúng quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Khởi tố thêm một bị can liên quan đến vụ Trương Châu Hữu Danh
Liên quan vụ án Trương Châu Hữu Danh, Cơ quan An ninh điều tra – Công an thành phố Cần Thơ vừa quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Kết luận điều tra (ký ngày 11-5-2021), vào tháng 8-2019, Lê Thế Thắng cùng 4 bị can khác (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) gồm: Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã (SN 1980), Đoàn Kiên Giang (SN 1986, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Phước Trung Bảo (SN 1982, ngụ TP Đà Nẵng) tiến hành tạo trang Fanpage “Báo Sạch” trên mạng xã hội Facebook. Riêng Lê Thế Thắng tạo thêm một kênh Youtube “BS Chanel” để đăng tải các đoạn clip, hình ảnh do nhóm thực hiện.
4 bị can (từ trên xuống, từ trái qua): Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Trung Bảo, Đoàn Kiên Giang, Trương Châu Hữu Danh
Đối với Lê Thế Thắng, đến thời điểm Cơ quan An ninh điều tra thành phố Cần Thơ ban hành Kết luận điều tra vào ngày 11-5-2021, do chưa chứng minh rõ vai trò đồng phạm với các bị can trong vụ án nên Cơ quan điều tra tách ra xác minh thêm, khi có đủ căn cứ thì tiến hành khởi tố xử lý theo quy định.
Sau khi Trương Châu Hữu Danh (SN 1982, ngụ tỉnh Long An) bị bắt giữ vào cuối năm 2020, Thắng đã trực tiếp thao tác xóa Fanpage “Báo Sạch”. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh đã trích xuất, lưu trữ được các bài viết liên quan. Qua giám định, các bài viết này đều vi phạm Luật Viễn thông và Luật An ninh mạng. Những thông tin, bài viết trên đã xuyên tạc, kích động, lôi kéo sự chống phá, các đối tượng xấu… làm ảnh hưởng đến vai trò, lãnh đạo, điều hành của Nhà nước, chính quyền.
Phạm Chí Thành bị phạt tù về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước
Ngày 9-7, TAND TP Hà Nội tuyên án phạt bị cáo Phạm Chí Thành (tức Phạm Thành, SN 1952, ở quận Hai Bà Trưng) 5 năm 6 tháng tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 2-2012, Phạm Chí Thành nhờ người lập blog “Bà Đầm Xòe” để đăng tải bài viết. Sau đó đến giữa năm 2014, Thành tạo lập trang Facebook cá nhân có tên “Phạm Thành” và tiếp tục đăng tải nhiều bài viết trên các trang mạng.
Đến tháng 7-2019, Phạm Chí Thành tập hợp các bài viết đã đăng tải và được sao lưu trong máy tính, rồi biên soạn, chỉnh sửa lại thành tập tin (file) tài liệu riêng, thuê in thành sách rồi phán tán. Nội dung 21 bài viết trong sách này và bài phỏng vấn Phạm Thành ngày 27-7-2019 chứa đựng nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Vạch trần âm mưu xuyên tạc liên quan vụ việc tại Trại tạm giam Chí Hòa
Rạng sáng ngày 7-7, Cổng Thông tin Điện tử Công an TP Hồ Chí Minh đã phát thông tin chính thống liên quan đến vụ phạm nhân gây náo loạn tại Trại tạm giam Chí Hòa trong buổi tối ngày 6-7. Theo đó, chiều 6-7, Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức thăm khám sức khỏe cho can phạm nhân tại Trại tạm giam Chí Hòa. Trong lúc lực lượng y tế Trại tạm giam thăm khám thì một số can phạm nhân kích động gây rối an ninh trật tự nơi giam giữ.
Các phạm nhân được đọc báo, xem thời sự hằng ngày
Công an thành phố đã kịp thời điều động lực lượng phối hợp quản giáo Trại tạm giam Chí Hòa giải quyết, xử lý, ổn định tình hình an ninh trật tự, đưa số can phạm nhân trở lại buồng giam. Tình hình an ninh trật tự tại Trại tạm giam Chí Hòa đã được kiểm soát, ổn định. Quá trình xử lý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho can phạm nhân và cán bộ, chiến sĩ.
Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của số can phạm nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chuyển một số can phạm nhân về Trại giam T30 (huyện Củ Chi) mới được xây dựng hoàn thiện để thực hiện giãn cách, phòng chống dịch Covid-19, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho can phạm nhân.
Bản chất sự việc đã được cơ quan chức năng công khai rõ ràng, tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lợi dụng các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội đăng tải các bài viết, hình ảnh xuyên tạc cho rằng: quản giáo Trại tạm giam Chí Hòa đã “đàn áp, ngược đãi tù nhân”… Đây đều là những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, hướng lái dư luận hòng kích động hận thù, gây chia rẽ mối quan hệ Công an với Nhân dân.
Bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục
Sở Thông tin và Truyền thông vừa ra quyết định xử phạt T.T.N.A. 7,5 triệu đồng do có hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Trước đó, ngày 27-5, T.T.N.A. đã sử dụng facebook cá nhân “Linh Anh” để tìm hiểu thông tin về một clip “nhạy cảm” trên mạng xã hội. Sau đó, T.T.N.A. dùng tài khoản zalo kết bạn, nhắn tin với các tài khoản zalo khác để “xin chia sẻ” và nhận được một video clip nội dung đồi trụy.
Từ những thông tin có được, T.T.N.A. tải các bức ảnh cá nhân của người được cho là nhân vật nam trong video rồi đăng trên facebook “Linh Anh” của mình. Ngoài đăng nội dung trên, T.T.N.A. còn chia sẻ video qua tin nhắn cho một số tài khoản mạng xã hội khác không rõ danh tính.
T.T.N.A. viết bản tường trình về hành vi vi phạm của mình.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý người đăng thông tin gây mâu thuẫn, kích động
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có Công văn số 1389/PTTH&TTĐT gửi Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh về việc xử lý thông tin gây mâu thuẫn, kích động, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo công văn: Qua công tác kiểm tra, rà soát, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện MC Vũ Hoài Phương (nghệ danh: Trác Thúy Miêu) đăng tải trên mạng xã hội Facebook bài viết có dấu hiệu gây mâu thuẫn, kích động về việc cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch Covid-19. Bài viết này sau đó gây nhiều bức xúc, tranh cãi trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội…
Nguồn: Tỉnh Đoàn Khánh Hòa