Gần đây, lợi dụng quá trình đầu tư, hiện đại hóa Quân đội, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc “Việt Nam đang chạy đua vũ trang”, đề cao vai trò vũ khí trang bị, phủ nhận giá trị của nhân tố con người, nhân tố chính trị tinh thần. Với chiêu trò suy diễn, dự đoán, các bài viết đặt câu hỏi về vai trò con người và vũ khí trong xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, “hiến kế” Việt Nam nên đi theo xu thế chung là mua sắm, hiện đại hóa vũ khí trang bị. Thậm chí, không ít bài viết còn đi sâu phân tích, dự đoán việc Việt Nam mua vũ khí của nước này, không mua của nước kia, nhằm tạo ra tâm lý bất an, hoang mang, mất niềm tin vào quá trình hiện đại hóa Quân đội của cán bộ, chiến sĩ, trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ.
Những “mưu hèn kế bẩn” đó từng bước thẩm thấu, dẫn đến việc mất phương hướng, dao động tư tưởng, mất niềm tin, tạo ra sự hoài nghi, đố kỵ trong một số cá nhân. Đồng thời, đưa đến nguy cơ làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào tinh thần, tư tưởng của đội ngũ sĩ quan trẻ. Mục tiêu của luận điệu chống phá đó là làm “mục ruỗng” từ bên trong mỗi cá nhân sĩ quan trẻ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lạc hướng về chính trị, suy giảm tinh thần, ý chí chiến đấu, cống hiến ở lực lượng nòng cốt của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Đây là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu độ tuổi của Quân đội, là những người trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm và những nhiệm vụ khác của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Tuy nhiên, đội ngũ sĩ quan trẻ dễ bị tác động bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, văn hóa ngoại lai, tệ nạn xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch,…
Trước hết, cả về lý luận và thực tiễn cần khẳng định, đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, con người là yếu tố quyết định, trong đó, phải chú trọng nhân tố chính trị tinh thần. Bởi vì, “trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(1). Ngay sau khi Quân đội ta thành lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xác định nguyên tắc xây dựng Quân đội là “người trước súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù phải đối đầu với những kẻ thù có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, song với ưu thế về sức mạnh chính trị tinh thần, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, phủ nhận vai trò, giá trị nhân tố chính trị tinh thần trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là sự quy chụp, “đổi trắng thay đen”.
Hiện nay, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là yêu cầu cấp bách để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để hiện đại hóa Quân đội, việc mua sắm vũ khí trang bị là tất yếu nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu của toàn quân. Bởi vì, “Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ”(2). Đó không phải là “chạy đua vũ trang”, tuyệt đối hóa vũ khí, xem nhẹ yếu tố con người như các luận điệu xuyên tạc vẫn rêu rao. Đồng thời, đó cũng là con đường đúng đắn để thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”, nhằm không lệ thuộc vào một nước nào trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định và phát huy nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay
Nhân tố chính trị tinh thần là ưu thế tuyệt đối, cội nguồn sức mạnh quyết định khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ sĩ quan trẻ. Nhân tố chính trị tinh thần giữ vai trò quyết định trong việc nâng cao nhận thức, xây dựng và củng cố niềm tin, tình cảm và ý chí quyết chiến, quyết thắng của sĩ quan trẻ; giúp đội ngũ này vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công tác; sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật để giành thắng lợi. Đó còn là chất “keo kết dính” bền chặt mối quan hệ đồng chí - đồng đội, đoàn kết quân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ.
Không thể phủ nhận thực tế hiện nay, do ảnh hưởng tiêu cực của internet, mạng xã hội, cơ chế thị trường; sự tác động của lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa,… cho nên, một bộ phận sĩ quan trẻ hoang mang dao động, lập trường tư tưởng không vững vàng, không yên tâm công tác. Vậy nhưng, nhờ được giáo dục, bồi đắp, rèn luyện nhân tố chính trị tinh thần, đại bộ phận sĩ quan trẻ đã luôn nêu cao trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tiếp tục tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh hiện nay. Hình ảnh những sĩ quan trẻ theo “mệnh lệnh của trái tim”, xung phong ra tuyến đầu chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục hậu quả của bão lũ, cháy rừng,… là hiện thân của tinh thần, ý chí “sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân”. Đó là những tấm gương không quản ngại gian khổ, vất vả, ngày đêm giữ vững biên cương bờ cõi, hải đảo của Tổ quốc; là những sĩ quan trẻ đang nỗ lực lan tỏa hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, có trách nhiệm với cộng đồng thế giới trong tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; chiến tranh, xung đột, khủng bố liên tiếp xảy ra bởi những toan tính lợi ích địa - chiến lược nước lớn, đe dọa hòa bình, ổn định, phát triển của nhân loại; nhiều khu vực, quốc gia rơi vào vòng xoáy chiến tranh, xung đột, nội chiến triền miên, đất nước bị tàn phá nặng nề,... Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra thời cơ và đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp; xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội ngày càng quyết liệt hơn. Trong khi đó, những yêu cầu cao của xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng, nhận thức chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ.
Bối cảnh tình hình đó đòi hỏi để phát huy nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện nay cần phải: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng đối với tiếp tục phát huy nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ theo đúng chức trách, nhiệm vụ. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp đối với việc phát huy nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ. Nắm vững nội hàm nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ để phát huy đúng nội dung, linh hoạt, sáng tạo về hình thức, gắn với đặc thù từng cơ quan, đơn vị. Huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, kết hợp sự tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ sĩ quan trẻ. Thường xuyên dự báo tình hình, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm bổ sung, tiếp tục phát huy nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ gắn với thực tiễn bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội hiện nay./.
#nguon baodientudangcongsanvietnam
Một số hình ảnh