Mùa Xuân Bính Thân 1956, Hà Nội đón cái Tết thứ hai từ khi Đảng và Bác Hồ về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến gian khổ.
Nhưng Xuân Bính Thân 1956 cũng là mùa Xuân báo trước dã tâm vi phạm Hiệp định Giơnevơ, phá hoại tổng tuyển cử, thống nhất Tổ quốc của kẻ thù. Dường như tiên đoán được những điều đó, nhân dân Thủ đô đón Xuân nhưng vẫn nhớ đến miền Nam, muốn bày tỏ tình cảm với Bác Hồ và thể hiện quyết tâm sản xuất xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh làm hậu phương vững chắc và sẵn sàng chi viện cho miền Nam thành đồng Tổ quốc. Trong số hàng trăm lá thư của các tầng lớp nhân dân Thủ đô gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện đang lưu giữ, có một bức thư của một học sinh lớp Nhì C mà sau này trở thành một trong những nhà khoa học danh tiếng của nước nhà. Với lòng kính yêu Bác Hồ, với lời lẽ ngây thơ, nội dung bức thư đó như sau:
“Kính gửi Bác Hồ, cháu là Tôn Thất Bách học sinh lớp Nhì C Trường Tiểu học Nguyễn Du. Hôm nay nhân ngày Tết cháu viết thư lên Bác. Cháu chúc Bác khoẻ mạnh để lãnh đạo toàn dân và cuối cùng cháu xin hứa với Bác cố gắng học tập chăm chỉ, giúp đỡ các bạn học sinh cùng tiến bộ để cùng vào Đội như cháu và để trở thành đội viên gương mẫu”.
Phát huy truyền thống gia đình, vâng lời Bác Hồ dạy, giữ đúng lời hứa với Bác và quyết tâm đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, cậu học sinh lớp Nhì C năm ấy, con trai của Giáo sư Tôn Thất Tùng, người vinh dự được Bác Hồ đặt tên, nay là Giáo sư Tôn Thất Bách, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viện sĩ Y khoa.
Tùng, Bách, phải chăng ý của Bác là mong trí thức Việt Nam mãi mãi tươi xanh, vững vàng như cây bách, cây tùng.
(Lược trích theo sáchMãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999).
nguồn: Theodauchanbac
Một số hình ảnh