Trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12/1944). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính trị trọng hơn quân sự”. Tư tưởng của Người chỉ ra trong bối cảnh cách mạng Việt Nam trực tiếp chống lại kẻ thù của dân tộc là phát xít Nhật - Pháp và phong kiến tay sai phản động. Đặc biệt, giai đoạn này so sánh tương quan lực lượng về mặt quân sự giữa hai bên, lực lượng cách mạng và kẻ thù của dân tộc không cân sức về mặt quân sự.  

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1. Quan niệm Hồ Chí Minh về chính trị

Chính trị là “Những hoạt động của một giai cấp, một chính đảng, một tập đoàn xã hội nhằm giành hoặc duy trì quyền điều khiển bộ máy nhà nước”[1]. Theo Hồ Chí Minh, để làm cách mạng đến thắng lợi, lật đổ ách thống trị của thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai phản động - Xây dựng một xã hội mới thì điều kiện hàng đầu là phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2]. Chính vì vậy, Đảng cách mạng phải có đường lối chính trị đúng đắn là vấn đề nền tảng, cốt lõi, dòng chủ lưu xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của cách mạng. Có đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho nhân dân giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, mới hiểu rõ tình hình cách mạng và mới ý thức rõ được những việc cần thực hiện và trở thành hành động tự giác. Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị của mình chủ yếu bằng việc đề ra Cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược của Cách mạng. Nếu đường lối chính trị không đúng đắn sẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất của Đảng đối với toàn xã hội, với vận mệnh của Tổ quốc và sinh mạng chính trị của hàng triệu đảng viên cũng như toàn thể dân tộc. Có đường lối chính trị đúng đắn thì sẽ làm cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trở thành hành động tự giác. Ngược lại, đường lối chính trị không đúng đắn thì phong trào quần chúng không thể thoát ra khỏi phong trào tự phát dẫn đến tập hợp lực lượng rời rạc, địa phương này phong trào lên cao nhưng địa phương khác lại thoái trào, cuối cùng bị thất bại. Thực tiễn phong trào cộng sản - công nhân trên thế giới và trong nước đã chứng minh điều đó. Mùa Xuân, năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã có ngay đường lối chính trị đúng đắn. Trong Chánh cương vắn tắt của Người soạn thảo thông qua Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản, tuy rất “vắn tắt” ngắn gọn, nhưng đã xác định rõ ràng những vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3] đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề đường lối chính trị, Người chỉ rõ: “Phải có đường lối cách mạng đúng, có đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đúng. Đường lối ấy chỉ có thể là đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc”[4]. Bởi vì, xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, trình độ dân trí còn hạn chế, do đó khi vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin phải chú ý sáng tạo và phát triển, không được phép giáo điều, nếu biến chủ nghĩa Mác - Lênin thành công thức cứng đờ thì đường lối chính trị chỉ là sự sao chép, rập khuôn, không chứa đựng bản chất cách mạng, khoa học và khả năng thực thi trong thực tế cuộc sống. Theo Hồ Chí Minh, đường lối chính trị đúng đắn phải vận dụng đúng lý luận chủ nghĩa – Mác - Lênin và còn phải tính đến đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể đất nước và xu thế phát triển của thời đại trong từng giai đoạn hoặc cả một thời kỳ dài.