Không phải một, hai lần mà gần như tuần nào, tháng nào, năm học nào, hễ có học sinh trốn học, không đến trường, thầy lại vào bản để tìm.
Đi “bắt” học sinh
Thầy Lâm “lỳ” đến nỗi, dân bản và các em học sinh đều nhớ và biết tiếng xe máy của thầy. Thầy mới chạy xe vào đầu bản, thì các em đã kịp chạy lên rừng, ra khe suối để trốn. Có lần, thấy thầy cứ đến nhà mãi, phụ huynh của một em học sinh đã “mắng” rằng: “Thầy chi mà lỳ”.
Nghe bà con nói vậy suốt nên thành quen. Thầy Lâm kể, nếu không đi “bắt” các em đến trường thì không bao giờ các em đi học. Đến trường được một vài buổi, các em lại xin thầy, cô về nhà với đủ lý do, nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nếu các em về được nhà rồi thì không đi học nữa. Bố mẹ các em thấy con em ở nhà cũng không nhắc nhở.
Chương trình dạy bơi miễn phí tại bể bơi Trường tiểu học Bắc Sơn (xã Thanh Hóa) do thầy Lâm kêu gọi thu hút nhiều học sinh đến học
“Cũng không thể trách họ, bởi người Mã Liềng ở đây trình độ nhận thức còn hạn chế. Họ hầu như không coi trọng chuyện học hành của con cái. Họ nói đi học được cái chữ không thể làm no cái bụng, biết được cái chữ cũng không kiếm ra tiền mua gạo ăn. Lên rừng hái củi, bắt thú còn có thức ăn để nhét vào bụng. Vì vậy, con em có đến trường hay không với họ cũng không quan trọng. Trước đây, muông thú và cây rừng đúng là cho họ bữa ăn thật. Nhưng từ khi rừng chỉ có cây keo, tràm và không còn muông thú, các em không đi rừng nữa mà vào miền Nam để làm thuê”, thầy Lâm trăn trở.
Hiện tượng học sinh trốn học vào miền Nam làm thuê ở đây bắt đầu từ năm 2016. Thầy Lâm nhớ lại, sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm 2018, nhà trường phát hiện có 6 em học sinh lớp 9 không đến trường. Sau nhiều lần tìm đến tận nhà, phụ huynh mới cho biết là các em đã vào miền Nam làm thuê.
Các em đã đi rồi thì chắc chắn không thể gọi điện bảo về được. Chỉ có cách, vào đó đưa các em về. Sau khi dò tìm được địa chỉ nơi làm việc của các em, thầy Lâm cùng Trưởng công an xã vào TP. Hồ Chí Minh để “bắt” số học sinh này về.
Chuyến đi đó, thầy Lâm tìm được 5 em, vì 5 em này làm việc tại một cơ sở may gia công. Còn 1 em thì lên tận tỉnh Bình Phước trồng tiêu ở trong rừng sâu. Thầy phải nhờ đến chính quyền sở tại can thiệp với chủ sử dụng lao động mới đưa được các em về. Thầy Lâm kể, năm 2019, thầy cũng phải bắt xe vào miền Nam để “bắt” 2 em học sinh lớp 9 về thi tốt nghiệp. Khi thầy trò dắt nhau về thì không bắt được xe khách. Thầy Lâm đã nhờ bạn bè ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ mua vé máy bay đưa các em về.
Mở lớp dạy bơi miễn phí
Năm 2016, cứ sau mỗi buổi học, thầy Lâm cùng một đồng nghiệp Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa dắt theo một nhóm học sinh đến khe Núng (bản Cáo) gần đó để dạy các em bơi lội. “Bể bơi” là một đoạn nước nông của khe Núng. “Bục giảng” là một khoảnh đất trống ngay bên cạnh. Thế nhưng, lớp học càng lúc càng thu hút nhiều em tham gia trong sự thích thú và lạ lẫm. Thầy Lâm cho biết: “Ở vùng miền núi khó khăn này không có điều kiện cơ sở vật chất như ở thành phố thì phải lợi dụng vào địa hình khe suối. Chứ chờ đợi có bể bơi thì làm sao tổ chức được lớp học”.
Vốn là giáo viên dạy môn thể dục, năm nào đến kỳ nghỉ hè, thầy Lâm cũng vào TP. Đà Nẵng dạy bơi để kiếm thêm thu nhập. Thấy trẻ em thành phố đi học bơi nhiều, trong khi trẻ em ở vùng nông thôn và miền núi, nơi có nhiều sông, suối thì không biết bơi và không có ai dạy bơi, thầy nảy ra ý tưởng mở lớp dạy bơi cho các em học sinh trong trường. Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường và chính quyền xã Lâm Hóa, thầy Lâm cùng một đồng nghiệp trong trường khảo sát địa điểm và tổ chức dạy bơi miễn phí cho các em. Lớp học bơi trên sông của thầy Lâm được duy trì đến năm 2018.
Năm 2019, qua sự kết nối, kêu gọi của thầy Hoàng Ngọc Lâm, các CLB bơi ở TP. Đà Nẵng, các nhà hảo tâm và nhất là CLB “Honda 67 và những người bạn” đã hỗ trợ kinh phí lắp đặt một bể bơi tại Trường tiểu học Bắc Sơn (xã Thanh Hóa) trị giá 150 triệu đồng để các thầy mở lớp dạy bơi miễn phí. Cũng từ đây, các em học sinh vùng cao khu vực các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa, Thanh Thạch (Tuyên Hóa) mới có một bể bơi thực sự để học bơi.
“Ban đầu, đối tượng hướng đến của chương trình là các em học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tham gia các khóa học bơi ở đây, các em không chỉ được dạy bơi miễn phí mà còn được tài trợ mũ, kính, áo quần bơi. Sau này, đối tượng mở rộng hơn, nhiều phụ huynh ở các xã lân cận đã đưa con em đến nhờ các thầy dạy bơi. Nhờ đó, hàng trăm em học sinh trên địa bàn các xã miền núi, vùng cao khó khăn ở phía Tây của huyện Tuyên Hóa đã biết bơi và được rèn luyện các kỹ năng phòng, chống đuối nước”, thầy Lâm cho biết.
Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa cho biết, nhiều năm qua, thầy Hoàng Ngọc Lâm không chỉ có nhiều thành tích trong chuyên môn, mà còn đóng góp công sức rất lớn cho sự nghiệp giáo dục vùng cao và cho cộng đồng nơi đây. Vừa qua, thầy Lâm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2016-2020.