Bên cạnh những lợi ích to lớn thì mạng xã hội (MXH) cũng có những mặt tiêu cực hết sức nguy hiểm, trong đó đặc biệt là vấn đề lan truyền thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và MXH “là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen” hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch”.
Thông tin xấu, độc trên MXH tác động tiêu cực đến nhận thức người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng ngàn trang MXH tập trung tung tin xấu, độc xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch từ đó tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động dư luận, hình thành tâm lý hoài nghi, phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.
Thông tin xấu, độc trên MXH tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa. Khi MXH phát triển thì dòng chảy của những tin xấu, độc, “cuộc xâm lăng văn hóa” trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại, làm xói mòn các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Hoạt động tung tin xấu, độc để câu “like” trên MXH ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên MXH (như phản đối BOT giao thông) thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.
Các đối tượng tội phạm lợi dụng thông tin xấu, độc để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng phạm tội lợi dụng MXH với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen, sử dụng thông tin giả, xấu, độc để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng thông tin xấu, độc trên MXH làm phương tiện để cỗ súy, quảng bá cho các hành vi vi phạm pháp luật (các đối tượng Khá Bảnh, Phú Lê,…)
Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên MXH, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng nhận diện các thông tin xấu, độc:
- Về mục đích: Thông tin xấu, độc nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin, gây hoang mang, dao động, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Về nội dung: Thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc…
Để xác định được xem thông tin mà mình tiếp cận là giả hay thật; đúng hay sai; tốt hay xấu thì chúng ta cần tiếp cận tìm hiểu ở các thông tin chính thống. Nếu chủ thể đăng tải thông tin là các nick ảo, nick không chính danh và tổng thể nội dung trang có thái độ nhìn nhận không phù hợp với quan điểm chính thống thì cần loại bỏ... Sau khi nhận diện được thì chúng ta nên tránh các thông tin xấu, độc theo hướng đã được nhận diện; đồng thời chọn lọc những thông tin có lợi, những thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục... để tiếp cận. Thường thì những thông tin được tung ra nhằm khuấy động dư luận và tạo ra các luồng nhận thức khác nhau. Nhiều người vì tò mò nên tiếp cận thông tin đó mà không suy nghĩ xem nên tiếp nhận như thế nào cho đúng.
Mặt khác, chúng ta cần có kỹ năng công nghệ - thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên MXH để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Cần cẩn thận cân nhắc xem nên comment (bình luận), like (thích), share (chia sẻ), dẫn link hay không nên một vấn đề nào đó, để tránh việc vô tình trở thành cầu nối giúp lan tỏa thông tin xấu, độc.
Việc nắm các quy định của Luật An ninh mạng cũng như Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng là một vấn đề bắt buộc, giúp người sử dụng tránh thực hiện cũng như tiếp tay cho các hành vi bị nghiêm cấm trên MXH.
Phòng An ninh kinh tế