NHỮNG NGƯỜI TRẺ "ĐỔ CẢ GIA TÀI" XUỐNG BIỂN
Bốn năm nay, anh Chiến Lê cùng những anh em ở Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA bỏ tiền túi, thời gian để cứu hộ sinh vật biển và tái tạo rạn san hô ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Họ gắn kết nhau bởi tình yêu biển
Năm 2017, anh cùng các bạn yêu biển lập một nhóm dọn rác ở bãi biển, tập huấn bơi lội. Đến tháng 6.2018, anh tình cờ nghe tin báo một chú cá heo bị thương mắc cạn gần bãi biển Mỹ Khê. Để sơ cứu, cả nhóm đưa chú cá heo xuống nước và suốt 12 giờ, 8 người thay phiên giữ đầu cá heo trên mặt nước để chú có thể thở được trong khi chờ đội cứu hộ chuyên nghiệp đến và chuyển tới cơ sở chăm sóc. Chú cá heo được đặt tên SASA.
SASA đến với nhóm như một “cú hích mạnh” khiến anh Chiến Lê cùng cả nhóm ngồi lại với nhau vì không ai bảo ai, tất cả đều muốn làm một điều gì đó xa hơn, bền vững hơn cho những sinh vật biển không may như SASA.
Để chủ động cứu hộ sinh vật biển, cả nhóm lao vào học hỏi thêm. Khi đã phần nào tự tin với những “công cụ” trong tay, cả nhóm lập fanpage “Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA”, phổ biến số hotline để mọi người gọi khi phát hiện sinh vật biển gặp nạn. Chỉ trong 1 tháng, nhóm đã tiếp nhận 6 - 8 trường hợp rùa biển và 10 trường hợp cá heo trong một khu vực hẹp từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Lượng công việc quá lớn nên nhóm phải cắm trại ở lại biển, có khi ngâm mình dưới nước 3 - 4 ngày liên tục để cứu hộ.
Bốn năm qua, hơn 100 cá thể rùa và cá heo được Sasa đưa về biển. Dù số tiền họ góp vào để hoạt động là "vài tỷ đồng", địa điểm của nhóm phải chuyển ra "ở bãi biển" vì thiếu kinh phí, nhưng anh Chiến và các thành viên vẫn lạc quan.