Chiếc máy thu gom rác của Đặng Nhật Uyên có cơ chế hoạt động tương tự như một cây ATM thông minh. Khi người dùng đưa chai nhựa vào, máy sẽ tự động trả lại 1 phiếu giấy in mã (code). Người dùng có thể quét mã đó để đổi các phần quà giá trị từ chương trình “Hè xanh mát, tích rác đổi quà”.
Uyên kể, năm 2019, một lần xem chương trình thế giới động vật, Uyên thấy loài rùa biển bị thương vì túi nilon quấn quanh người, cô dặn lòng phải làm điều gì đó để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ các loài động vật và môi trường sống của con người. Ý tưởng chế tạo máy thu gom rác thải nhựa ra đời từ đây.
Một chương trình thời sự giới thiệu sản phẩm máy phân loại rác thải của các bạn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ thôi thúc Uyên hành động. Uyên lên mạng nghiên cứu, mày mò vẽ mô phỏng được chiếc máy thu gom rác của mình. Tại diễn đàn “Zero Plastic Waste Challenge: Small Action Big Impact” (Thử thách không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, thay đổi lớn) do Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam tổ chức ở Trường Đại học Nha Trang năm 2020, Uyên mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình và nhận được sự tán thành từ các chuyên gia.
Sau đó, Uyên chủ động liên hệ các thầy giáo ở khoa Kỹ thuật giao thông - Trường Đại học Nha Trang nhờ hỗ trợ chế tạo chiếc máy. Nhận thấy cô sinh viên có ý tưởng hay, cùng với sự chỉ đạo của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường, các thầy cô trong Khoa đã giúp Uyên biến ý tưởng này thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và gợi ý cho Uyên thêm 4 cộng sự làm đề tài. Đề tài của Uyên bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2021 và đến đầu tháng 7/2022 hoàn thành. Trong suốt quá trình thực hiện đề tài của Uyên, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên luôn sát sao hỗ trợ và động viên em cùng các cộng tác viên kịp thời để hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu của mình.
Ban đầu, Uyên chỉ nghĩ sẽ đặt máy đổi rác lấy quà ở các điểm tập trung đông sinh viên của Trường Đại học Nha Trang để các bạn đổi rác lấy giáo trình. Uyên và nhóm bạn trong dự án đã vận động được nguồn giáo trình cũ từ sinh viên khóa trên để xây dựng “ngân hàng” giáo trình phục vụ hoạt động của máy. Mục đích của Uyên là định hướng cho sinh viên trong trường về việc phân loại rác thải nhựa, đồng thời giúp các bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc để tìm kiếm, mua giáo trình học tập.
Chiếc máy thu gom rác của Nhật Uyên có cơ chế hoạt động đơn giản, dễ sử dụng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức phân loại rác thải để bảo vệ môi trường. Việc tái sử dụng sách, giáo trình sẽ giúp giảm tiêu thụ giấy. Như vậy, dự án của Uyên và nhóm bạn đã gián tiếp giúp bảo vệ rừng. “Em mong muốn trong thời gian tới có thêm các nhà đầu tư hỗ trợ cho dự án nhân rộng máy gom rác thông minh tại các trường học ở Khánh Hòa để giúp các bạn trẻ dần thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp các bạn tiết kiệm tiền mua sách, sử dụng tiền đó để thực hiện nhiều việc khác ý nghĩa hơn”, Uyên chia sẻ. Anh Dương Duy Khang - Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường cho biết “Với sự năng động và sáng tạo vốn có của sinh viên Ngoại ngữ và tình yêu lớn đối với môi trường của Uyên, đây là dự án vô cùng ý nghĩa và sẽ được Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên nhà trường nhân rộng trong thời gian tới để góp phần nâng cao nhận thức cho sinh viên toàn trường”.
Tham gia “Ngày hội sáng tạo trẻ” năm 2022 tại Trường Đại học Nha Trang, chiếc máy thu gom rác thải nhựa của Nhật Uyên thu hút sự quan tâm của hàng ngàn bạn trẻ. Sau đó, Tỉnh Đoàn Khánh Hòa gợi ý Uyên mang chiếc máy tham gia chương trình “Hè xanh mát, tích rác đổi quà”.