"Sợ người ta nghĩ mình tham nên tôi lập tức tìm cách chuyển trả lại cho khách. Kẹt nỗi tài khoản của tôi không đủ hạn mức để chuyển hết số tiền đó nên tôi phải tìm đến phòng giao dịch ngân hàng gần nhất chuyển mới chuyển được", ông shipper 52 tuổi ở phường Phú Mỹ, quận 7 kể lại câu chuyện cuối giờ chiều 5/4.
Hôm đó, ông Thái đến giao hàng cho một khách ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đơn hàng chỉ có 400 nghìn đồng nhưng người nhận không có nhà nên nhờ người thân nhận hộ và thanh toán tiền bằng cách chuyển khoản cho ông.
Thấy điện thoại báo tin có tiền về tài khoản, ông yên tâm tiếp tục đi giao hàng cho các địa chỉ khác. Khoảng 5 phút sau, người khách gọi lại cho ông thông báo chuyển nhầm số tiền. Kiểm tra, ông Thái nhận ra tài khoản của mình đã tăng vọt lên hơn 400 triệu đồng. "Cả đời tôi chưa bao giờ có số tiền lớn như vậy", ông nói và vội vã bỏ hết các đơn hàng chưa giao để đi tìm phòng giao dịch ngân hàng. Đến nơi, thay vì đợi bốc số thứ tự, ông xin mọi người ưu tiên để mình chuyển tiền trước, sợ ngân hàng đóng cửa.
"Tôi chuyển lại đúng 400 triệu rồi gọi khách chuyển lại tiền hàng cho tôi sau. Thú thực là nếu trừ 400 nghìn đồng tiền hàng, tôi cũng không biết cách ghi vào biên lai số tiền lẻ còn lại làm sao cả", người đàn ông thật thà nói.
Ông Thái đang chuẩn bị hàng để đi giao chiều ngày 7/4. Ảnh: Diệp Phan.
Chị Mai An, chủ một doanh nghiệp ở quận 7 là người đã chuyển nhầm cho ông Thái kể: "Khi chuyển tiền cho một người khác, thấy số dư không đúng mới biết mình đã chuyển nhầm cho anh Thái. Gọi điện báo cho anh ấy, tôi có niềm tin là sẽ được chuyển lại nhưng không nghĩ anh Thái bỏ việc để chuyển ngay cho tôi", chị An nói.
Sau khi nhận lại 400 triệu đồng, chị Mai An chuyển lại 500 nghìn, trong đó là 400 nghìn tiền hàng và 100 nghìn phí chuyển khoản cho ông shipper. "Tôi không muốn gửi anh ấy một số tiền để cám ơn vì nghĩ lòng tốt của anh ấy không thể trả giá bằng tiền. Tôi sẽ giữ liên lạc với anh ấy, sau này nếu ảnh có nguyện vọng muốn thay đổi công việc, trong khả năng tôi sẽ giúp", chị An chia sẻ.
Người đàn ông 52 tuổi cho biết, ông xem việc trả lại tiền không phải của mình là điều bình thường, không mong cầu được trả ơn. "Nghĩ mình đã làm chuyện đúng nên tôi thấy vui. Sau hôm đó về, tôi vẫn ngủ ngon và hôm sau đi làm lại bình thường như bao ngày", ông nói.
Anh Huỳnh Đỗ Hoàng Minh, quản lý của công ty chuyển phát chia sẻ, 23 năm trước, ông Thái làm nghề lái xe tải, bị tai nạn, gần như liệt nửa thân người dưới nên đến nay vẫn chưa lập gia đình, hiện đang sống cùng người mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Hai năm trước, ông xin vào bưu cục làm shipper. Đây là công việc ổn định đầu tiên của ông sau khi bị tai nạn. Thu nhập của ông khoảng 300 nghìn đồng mỗi ngày.
"Tuy chú Thái đi lại khó khăn nhưng làm việc rất có trách nhiệm. Công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều và sử dụng thành thạo điện thoại thông minh nhưng chú bắt nhịp nhanh, làm tốt nên mới gắn bó được đến bây giờ", anh Minh cho biết thêm.
*Tên nữ khách hàng đã được thay đổi.
Diệp Phan
(Nguồn Báo VNEXPRESS)