Thầy Ngọc chia sẻ, chưa khi nào công việc giảng dạy lại gặp khó khăn như hai năm vừa qua vì phỉa trải qua những đợt test Covid-19, cách ly y tế, vượt quãng đường gần 2.000km từ Việt Nam để sang đến điểm trường đang công tác. Đôi khi, đang giảng dạy, trường phải tạm nghỉ vì có thầy cô hoặc học sinh trong trường nhiễm covid-19.
Đây là năm vô cùng đặc biệt và nhiều khó khăn, nhưng vì yêu nghề, trách nhiệm với nghề, thầy Ngọc cùng những giáo viên Việt đã vượt lên tất cả để đem con chữ đến cho các em học sinh Lào, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào.
Luang Namtha là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa của Lào. “Ở đây, tôi được tiếp xúc với các em học sinh cũng như người dân các dân tộc thiểu số như Mu xơ, A Kha, Khơ Mụ…
Quãng thời gian này đã cho tôi có những trải nghiệm quý giá mà đời người không dễ gì có được. Đó là được sống trong một nền văn hóa mới, được ăn cơm, đi nương rẫy, được dạy các em học sinh những điều mới mẻ.
Đặc biệt, thời gian công tác cho tôi thấy sự khó khăn, vất vả của học sinh cũng như người dân nơi đây. Tôi cũng đã đứng ra kêu gọi và đón nhận rất nhiều đồ dùng, quần áo, đồ ăn… từ các nhà hảo tâm, những người thân quen với tổng số tiền gần 200 triệu đồng để trao cho các em học sinh và các hộ gia đình khó khăn.
Qua những ngày tháng sống và làm việc tại đây, tôi cảm nhận được sự chân thành của bà con. Mọi người rất quý mến và dành nhiều tình cảm cho tôi. Bà con có rau, có cá, có gà đều mang tới cho. Tôi được sống trong tình yêu thương của mọi người, mọi khoảng cách địa lý, văn hóa như được xóa nhòa” – Thầy Ngọc tâm sự
Bên cạnh công việc giảng dạy, thầy Nguyễn Thành Ngọc cố gắng làm thêm hoạt động xã hội, đến các bản làng, các trường học, ở vùng sâu vùng xa để trao tặng cho các em học sinh quần áo, đồ dùng học tập mình quyên góp được.
Thầy cũng tham gia các hoạt động sinh hoạt đời sống của người dân để tìm hiểu và hòa nhập với họ