Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn,
(huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu
Trọn vẹn là tính từ thể hiện sự đầy đủ, không thiếu mặt nào, không bỏ sót một vấn đề gì, một đối tượng nào, là điểm đến cuối cùng; đồng nghĩa với toàn vẹn, hoàn hảo. Sự trọn vẹn trong tình yêu thương mà Bác hướng tới là mọi tầng lớp nhân dân. Tình yêu thương ấy không giới hạn mà bao trùm, rộng mở, không phân biệt già trẻ, gái trai, miền xuôi hay miền ngược, đến cả những người bị áp bức cùng khổ trên toàn thế giới. Tất cả đều có chỗ trong trái tim nhân ái bao la của Người. Đúng như những vần thơ của Tố Hữu:
Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
Nhà thơ Cu-ba - Lisanđơrơ Ôtêrô cũng viết:
Trên ngực Người không đòi hỏi huân chương
Tâm hồn Người bao trùm thế giới.
Sự trọn vẹn được biểu hiện đầy đủ các khía cạnh: Thăm hỏi, động viên, tin yêu và chăm lo hạnh phúc của con người. Sự trọn vẹn được khẳng định xuyên suốt chiều dài thời gian từ thuở thiếu thời đến những năm tháng cuối đời trước lúc Bác đi xa. Tình yêu thương của Bác không chung chung trìu tượng mà có thể nhìn thấy rõ qua từng câu nói, mỗi việc làm, cử chỉ giản dị, gần gũi. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ cụ già "xuân về đem biếu lụa" đến em nhỏ "trung thu gửi cho quà". Nhiều đêm Bác không ngủ vì thương đoàn dân công "ngủ ngoài rừng" đến những người chiến sỹ "đứng gác ngoài biên cương". Nhìn phu làm đường vất vả, Bác thấu hiểu và sẻ chia:
Phu đường vất vả lắm ai ơi
Giải nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi
Ngựa xe hành khách thường qua lại
Biết cảm ơn anh được mấy người.
Lo lắng, quan tâm cho công nhân, Bác nói: "Không phải bắc ván để Bác đi mà phải làm sao đường sá được sạch để anh em công nhân đi làm về khỏi đi vào chỗ lầy lội, bẩn thỉu".
Người cùng sống với người nông dân miền núi nghèo khổ và bị áp bức bằng tình cảm chan chứa yêu thương:
Thương ôi những kẻ dân cày
Chân bùn tay lấm suốt ngày gian lao.
Đối với đồng bào miền Nam, Bác từng nói: "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi" với trái tim thiết tha vô hạn. "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". Chưa giải phóng được miền Nam, Bác tự coi là nhiệm vụ chưa làm tròn. Vì thế, Bác đã nói với Quốc hội khi Quốc hội có ý định trao Huân chương Sao vàng cho Người "chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý đó". Mỗi khi có đại biểu, chiến sỹ miền Nam ra thăm, Bác rất vui, tiếp đón ân cần, thăm hỏi, tặng quà, chụp ảnh kỷ niệm. Không chỉ nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cảm thông sâu sắc với đời sống của người dân lao động da đen và rất căm giận bọn phân biệt chủng tộc, hành hình người da đen một cách man rợ mà sau này Bác viết lại trong bài báo "hành hình kiểu Linsơ". Một người Việt Nam yêu nước, một chiến sỹ cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc luôn giúp đỡ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước, kêu gọi những người cách mạng chân chính hoạt động một cách thiết thực ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và các thuộc địa khác. Như nhà thơ Ấn Độ Môninđra Ray viết:
Hồ Chí Minh. Người đã hồi sinh cuộc sống
Người là vầng dương
Đang đem lại bình minh cho nhân loại.
Thật hiếm có vị lãnh tụ nào lại có tình thương mênh mông nhân ái dành cho bao số phận, mọi kiếp người như vậy. Là Chủ tịch nước, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Bác không coi nhẹ việc nhỏ. Bác quan tâm đến chỗ ở ,việc làm, đến từng bát cơm manh áo. Là người lãnh đạo cao nhất của một nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng dù bất cứ hoàn cảnh nào, ở đâu thì trái tim nồng hậu của Bác vẫn luôn hướng về quần chúng nhân dân. Giữa thời tiết ngày hè nắng nóng, các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình không đủ nước uống, Người đã dành hết số tiền tiết kiệm của mình tặng bộ đội mua nước giải khát. Bác chỉ mặc cái áo mỏng, sẵn sàng nhường áo ấm cho cán bộ của mình bởi "chú mang cho ấm cũng như tôi". Người nhường ghế cho cụ Hà Văn Quận bởi tấm lòng yêu kính người cao tuổi. Đoàn văn công miền Nam ra biểu diễn giữa mùa Đông, chưa quen với cái lạnh của miền Bắc. Bác hiểu rằng: Miền Nam không có mùa đông, anh chị em cần nhất lúc này là quần áo chăn màn. Đó là tình cảm ấm áp thiêng liêng của một vị lãnh tụ, vị chỉ huy luôn gần gũi, gắn bó với chiến sĩ với nhân dân; tình yêu thương chân thành tha thiết của một người ông người cha đối với cháu con.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thế hệ măng non sự quan tâm ân cần, sâu sắc. Bác xem các cháu nhỏ là những vị khách tí hon đáng mến. Người hết lòng yêu quý, tin tưởng và chăm lo. Bác thường nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào "nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em có cơm ăn, có áo ấm, được đi học". Hầu như tết trung thu năm nào Bác cũng gửi thư thăm hỏi, động viên và đặt nhiều niềm tin nơi các cháu. Nghe tiếng em bé rao hàng vào sáng sớm giá lạnh, Bác đã rơi nước mắt, xót thương các cháu phải vất vả mưu sinh. Bà Vécmét Tôrê, vợ cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp Môrít Tôrê kể rằng: "Hồ Chủ tịch rất yêu trẻ em. Chúng tôi thấy Chủ tịch đau lòng khi nói đến những đau khổ của trẻ em Việt Nam do bọn đế quốc xâm lược gây ra". Các em thiếu niên nhi đồng kể cả các cháu thiếu nhi trên thế giới như Liên Xô, Pháp, Ấn Độ,... đều yêu kính Bác Hồ như người ông thân thiết ruột thịt. Nhà báo Amin người Yêmen khẳng định: "Người không những là Bác, là Cha của thiếu nhi Việt Nam mà Người còn là Bác là Cha của thiếu nhi thế giới".
Vị Chủ tịch với phong cách giản dị, gần gũi, chân thành cùng tình yêu hòa bình cho nhân loại đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Bác cũng dành rất nhiều tình yêu thương, sự tin tưởng cho thanh niên - những người chủ tương lai của đất nước. "Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên". Bác xem thanh niên là người thân trong gia đình. Sự hy sinh của thanh niên cho cuộc kháng chiến dành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Người từng nói: "Ở Việt Nam, mỗi người có một nỗi khổ riêng. Mỗi nhà có một nỗi khổ riêng. Cộng tất cả mọi nỗi khổ đau ấy là nỗi khổ đau của Người". Khi nghe tin con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hi sinh trên chiến trường, Người đã viết thư chia buồn: "Tất cả thanh niên Việt Nam đều là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột". Cả cuộc đời Bác coi mình là người lính ra trận theo mệnh lệnh của nhân dân, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Không chỉ có lòng thương yêu vô bờ bến, điểm nổi bật ở Hồ Chí Minh là sự tôn trọng, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh, trí tuệ và nghị lực của hàng triệu con người.
Cái vĩ đại ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã nhìn thấy ở nhân dân - lực lượng quyết định thắng lợi của cách mạng. Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, lo những điều dân lo, nghĩ những điều dân nghĩ và đau trước nỗi đau của nhân loại. Trong ngày mừng thọ tuổi 56, lòng Bác vẫn không vui vì miền Nam chưa được bình yên. Khi nhắc đến miền Nam đang sống trong đau thương, Bác Hồ đã khóc. Nước mắt vị Cha già thương đồng bào chưa được giải phóng, chưa được tự do. Các dân tộc bị áp bức, một em bé da đen bị đói, một người con gái ở nước Pháp bị án tử hình đều làm Bác xúc động. Đúng như nhà thơ Việt Phương viết "tim đau hết nỗi đau người ở chân trời, góc bể". Trong cuộc sống hằng ngày, Người cũng không nguôi nghĩ về đất nước, nhân dân:" Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa". Bác thương dân mình còn nghèo còn khổ. Vị Chủ tịch nước chỉ ở ngôi nhà sàn nho nhỏ, quần áo giản dị, ăn uống đạm bạc, sống thanh bạch, gần gũi và không làm phiền nhân dân. Có thể nói, tình yêu thương con người của Bác là một tình cảm trọn vẹn bởi toàn bộ tâm huyết, sức lực, trí tuệ, trái tim gắn bó với vận mệnh dân tộc với đất nước, nhân dân. Người đã hi sinh cả cuộc đời 79 mùa Xuân cho lợi ích của nhân dân Việt Nam và thế giới. Vì muốn dân tộc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi đã quyết chí bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi nghề để tìm đường cứu nước. Chính lòng yêu thương con người cháy bỏng là động lực nung nấu, thôi thúc hoạt động cách mạng không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với quan niệm "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì". Và hạnh phúc của Người là "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Người lãnh đạo chống giặc đói, giặc dốt, thực hành đời sống mới ngay trong kháng chiến. Như vậy "ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài. Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng Người phát động mang tầm cỡ thế giới". Đó chính là tình yêu thương con người mang tính nhân văn cao cả, vĩ đại và thật trọn vẹn của Bác Hồ kính yêu.
Trước lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Không một chút riêng tư, trong hơn 1000 từ, được cân nhắc cẩn thận trong suốt hơn bốn năm, Người không quên bất cứ tầng lớp nhân dân nào, không quên bất cứ một công việc nào của đất nước. Và cuối cùng, quan trọng nhất, xúc động nhất, Bác "để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Bác ra đi không đem theo gì cho mình. Tất cả Bác để lại cho toàn dân tộc. Chính vì đức hy sinh cao cả và tình yêu thương trọn vẹn ấy mà "cả dân tộc khóc người thương mình nhất/ Người được thương trên tất cả người thương". Bản Di chúc trở thành báu vật của dân tộc, là sự kết tinh, đúc kết toàn bộ tình cảm thương yêu con người vô hạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã gửi gắm tấm lòng của muôn triệu trái tim Việt Nam với Bác Hồ kính yêu "Người đi xa vắng, tiếng của Người còn đây. Tình người bao la sáng rọi cuộc đời ta hằng ngày". Đất nước đang bước vào một mùa Xuân mới 2021 với nhiều sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 80 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam, 91 năm Ngày thành lập Đảng và thành công Đại hội XIII của Đảng, lòng chúng ta càng thêm nhớ Bác. Chính tình yêu thương trọn vẹn Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nhân dân Việt Nam và nhân loại mãi luôn là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng soi đường mỗi chúng ta đi./.
Lê Hà
Khu Di tích Kim Liên
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh