Việt Nam hiện đại là hiện thân từ di sản Hồ Chí Minh
Phóng viên (PV): Với tư cách là nhà Việt Nam học nổi tiếng tại Nga, xin ông đánh giá tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển đất nước Việt Nam giai đoạn tới năm 2030 và tầm nhìn 2045?
GS, TSKH Kolotov: Tôi cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa và vai trò then chốt đối với Việt Nam hiện đại. Chính sự tập trung đúng hướng vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia và sử dụng hợp lý các nguồn lực đã giúp bảo đảm chiến thắng trong các cuộc chiến tranh và đưa ra hướng đi phù hợp cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cháu thiếu nhi (Ảnh tư liệu chụp năm 1955).
Sẽ không quá lời khi khẳng định rằng, Việt Nam hiện đại là hiện thân từ di sản tinh thần Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người chính là kết tinh của dân tộc, chỉ ra những phương hướng căn bản cho sự vận động phát triển của đất nước trong tương lai, theo hướng ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn của đời sống nhân dân, tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng lại một cách sáng tạo những quan điểm chính trị hiệu quả nhất của phương Đông và phương Tây, để áp dụng vào phục vụ lợi ích của Việt Nam. Và nếu không có hệ tư tưởng và rộng hơn là học thuyết chính trị của Người thì sẽ không có thành công như ngày hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Có được chiếc la bàn đáng tin cậy như vậy, Việt Nam như một con tàu dưới sự dẫn dắt của người thuyền trưởng tài tình sẽ tự tin vượt qua mọi phong ba, bão táp trong thế giới hiện đại.
GS,TSKH Kolotov V.N, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Liên bang Nga. Ảnh nhân vật cung cấp
Đó là lý do tại sao tôi tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bảo đảm việc hoàn thành các quyết định của Đại hội XIII và đạt được các chỉ tiêu quan trọng đặt ra hướng tới chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó cũng chính là nội dung chính của cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay.
Đức và Tài – tầm nhìn quốc tế
PV: Ông đánh giá như thế nào về cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang diễn ra mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước?
GS, TSKH Kolotov: Theo tôi, hiện nay có nhiều vấn đề khủng hoảng trong thế giới hiện đại liên quan đến việc các chính trị gia không có đủ đạo đức. Do đó dẫn đến chủ nghĩa hoài nghi, thiếu niềm tin, rồi xảy ra chạy đua vũ trang, lật đổ chế độ nhà nước, hay xung đột và chiến tranh diễn ra liên miên. Có vẻ như một số chính trị gia đang hướng theo các nguyên tắc của người Trung Quốc cổ đại. Tào Tháo từng nói: “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”. Đó rõ ràng là hướng đi dẫn đến ngõ cụt.
Không phải vô cớ mà những bộ óc thiên tài của nhân loại đã lặp đi lặp lại luận điểm về vai trò của đạo đức trong nhiều thế kỷ qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh có chung quan điểm này. Người nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Quan điểm này không chỉ được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn ở Việt Nam, mà còn được luận bàn khắp nơi trên thế giới. Không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại mà còn cả đông đảo công chúng quốc tế. Chính điều này giúp họ hiểu hơn về nền tảng cho sự phát triển năng động của Việt Nam ngày nay.
Sự nguy hiểm của chủ nghĩa xét lại lịch sử
PV: Ở nước Nga hiện nay có những quan điểm trái chiều nhằm xét lại và hạ bệ vai trò lịch sử của Lênin, thưa ông? Ông nghĩ gì về vấn đề này và khuyến nghị cho Việt Nam?
GS, TSKH Kolotov: Về vấn đề này, tôi nhớ lại câu nói nổi tiếng của Otto von Bismarck (chính trị gia người Đức- PV) rằng: “Các vị tướng không chiến thắng các cuộc chiến tranh, các giáo viên dạy học mới là người chiến thắng các cuộc chiến”. Do đó, ông đã chú ý đến vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục trong việc nuôi dạy con người.
Hồ Chí Minh đã nói về điều tương tự, chỉ khác nhau ở cách diễn đạt, rằng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vì vậy, đầu tư hiệu quả nhất là đầu tư vào nguồn lực con người.
Nhìn chung, để thay đổi định hướng chính trị của đất nước, chủ nghĩa xét lại được sử dụng tích cực, trên cơ sở sử dụng các lập luận không rõ ràng nhằm đề cao vai trò của một số chính trị gia này và hạ thấp vai trò của những nhân vật khác. Thông thường, điều này xảy ra không phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khách quan các sự kiện và quá trình lịch sử, mà theo một trật tự chính trị.
Trong trường hợp này, chúng ta nên chú ý về thời điểm của cách tiếp cận này, cũng như về quy luật “boomerang” (sự quay về - PV) lịch sử, theo đó những sai lầm mắc phải trong quá khứ và hiện tại sẽ phải trả giá trong tương lai. Otto von Bismarck đã từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Vì vậy, việc đánh giá vai trò của các nhà chính trị phải được thực hiện một cách khách quan trên cơ sở khoa học chặt chẽ.
Do đó, đối với vấn đề trên, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cần được đặc biệt quan tâm. Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, khiến chúng tôi rất tâm đắc.
Sự sụp đổ của Liên Xô và bài học bảo vệ nền tảng tư tưởng ở Việt Nam
PV: Bài học đối với Việt Nam trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Hồ Chí Minh và biểu tượng niềm tin của Người đối với dân tộc Việt Nam trong tình hình mới ra sao, thưa ông?
GS, TSKH Kolotov: Chúng ta đều biết rằng, các chương trình cải cách của Đảng Cộng sản Liên Xô và sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn khác nhau, hoặc thậm chí có thể nói là hoàn toàn trái ngược nhau.
Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng trước tiên cần phải thay đổi hệ thống chính trị và sau đó nền kinh tế thị trường sẽ bắt đầu tự phát triển và “bàn tay vô hình” thị trường sẽ tự đưa mọi thứ vào đúng vị trí của nó. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trước hết cần bảo đảm trật tự, ổn định của hệ thống chính trị, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đồng thời duy trì các đòn bẩy kiểm soát của nhà nước.
Hơn 30 năm trôi qua và chúng ta thấy ai đúng, ai sai. Do đó, hệ tư tưởng là yếu tố xương sống ở các quốc gia được xây dựng trên hệ thống chính trị một đảng cầm quyền.
Ngay sau khi điều khoản quy định vai trò lãnh đạo và định hướng của Đảng Cộng sản Liên Xô, dựa trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin bị xóa khỏi Hiến pháp Liên Xô, thể chế nhà nước này nhanh chóng tan rã. Xung đột giữa các sắc tộc và tôn giáo bắt đầu xảy ra, nhiều bộ phận khác nhau của Liên Xô đã tham gia vào lực lượng quân sự - các khối chính trị khác nhau, và đưa ra định hướng chính trị-xã hội khác nhau… Một số khác nằm dưới sự kiểm soát của bên ngoài. Đồng thời, một số thế lực bên ngoài đã nhiều lần tiến hành các cuộc đảo chính và cách mạng màu. Và bây giờ chúng ta thấy một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây thậm chí còn chiến đấu chống lại nhau. Mối quan hệ nhân quả trong ví dụ trên là rất rõ ràng.
Nhìn chung, đó không phải là phương án tối ưu để phát triển kinh tế và chính trị. Và trung tâm của những hậu quả đó là việc thiếu một hệ tư tưởng đúng đắn, dẫn đến việc phân tích tình hình kinh tế và chính trị bị sai lầm.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò then chốt đối với Việt Nam hiện đại
Giáo sư Kolotov (ngoài cùng bên phải) cùng với các sinh viên
chụp ảnh kỷ niệm bên tượng đài Bác Hồ. Ảnh nhân vật cung cấp
Như lời nhận xét của nhà lãnh đạo V.V.Putin, Liên Xô tan rã là một trong những thảm kịch địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20. Từ đó cho thấy, việc rút ra những kết luận về lý luận và bài học kinh nghiệm thực tiễn là rất cấp thiết.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu công cuộc Đổi mới, chủ nghĩa xét lại không lên ngôi và đất nước không bị lung lay tư tưởng từ bên này sang bên khác. Những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đều tập trung vào việc tìm ra những phương thức hữu hiệu và tối ưu để phát triển đất nước, đáp ứng lợi ích của dân tộc.
Trường đại học đầu tiên tại Nga có giáo trình Hồ Chí Minh học và Tư tưởng Hồ Chí Minh
PV: Đại học Quốc gia St.Petersburg là trường đầu tiên ở Nga soạn thảo giáo trình giảng dạy môn “Hồ Chí Minh học” và “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Di sản Hồ Chí Minh được đặc biệt quan tâm và nghiên cứu như thế nào tại Nga, thưa ông?
GS, TSKH Kolotov: Đúng vậy, chúng tôi là những người đầu tiên chú ý đến sự cần thiết việc nghiên cứu một cách có hệ thống về Việt Nam hiện đại và thực hiện những thay đổi thích hợp đối với chương trình đào tạo dành cho người học tiếng Việt. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc cung cấp nhiều tài liệu khoa học.
Hiện nay, Viện Hồ Chí Minh của chúng tôi là nơi có nhiều tài liệu cập nhật nhất về lịch sử và chính trị của Việt Nam hiện đại. Chúng tôi cố gắng sử dụng chúng trong suốt quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của cả giảng viên và sinh viên. Được đào tạo theo phương pháp hiện đại, sinh viên tốt nghiệp của trường làm việc tại Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện thương mại, các công ty lớn của Nga như Rosatom, Rostec, Gazprom, Roscongress,... Với vốn hiểu biết đúng đắn về Việt Nam hiện đại, họ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển quan hệ hữu nghị và cùng có lợi giữa các nước chúng ta.
Lễ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trang trọng
trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh ở Liên bang Nga.
Trong hoạt động của mình, chúng tôi luôn áp dụng đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "biết mình, biết người". Để phát triển quan hệ với Việt Nam hiện đại, cần phải dựa trên các nghiên cứu khách quan, dựa trên các cơ sở khoa học chặt chẽ. Theo đó, một trong những môn học quan trọng nhất là Hồ Chí Minh học và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi vì sẽ không thể hiểu được những vấn đề then chốt của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX và XXI nếu không nghiên cứu một cách có hệ thống các môn học này.
Điều đáng tiếc hiện nay là thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam tụt hậu đáng kể so với thương mại của Việt Nam với các nước hàng đầu khác. Điều này phần lớn là do hiểu biết về Việt Nam ở Liên bang Nga còn hạn chế. Chúng tôi đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này.
PV: Viện Hồ Chí Minh hiện đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và làm sâu sắc hệ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nga và thế giới?
GS, TSKH Kolotov: Hiện nay, chúng tôi thực hiện theo nguyên tắc “chính danh” và trong những năm qua chúng tôi đã làm rất nhiều trong việc sửa chữa những sai sót khi dịch thuật tư tưởng Hồ Chí Minh sang tiếng Nga. Chúng tôi cũng đã công bố một số báo cáo khoa học về lịch sử hình thành và phát triển, các bộ phận cấu thành của tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò của Người đối với sự phát triển năng động của đất nước Việt Nam hiện đại.
Viện Hồ Chí Minh là nơi khởi nguồn cho sáng kiến tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên trong lịch sử quan hệ Nga - Việt về các nền văn hóa Việt Nam cổ (Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai, Óc Eo) tại bảo tàng Ermitage (năm 2019), thu hút hơn một triệu người tham quan trong 3 tháng. Buổi khai mạc triển lãm này diễn ra trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khách tham qua đã để lại những ấn tượng khó quên, được ghi lại trong cuốn lưu bút của bảo tàng Ermitage. Tôi đã xem qua một số tập lưu bút về cuộc triển lãm này, và nhận thấy sự quan tâm là rất lớn.
Một lĩnh vực hoạt động quan trọng khác của Viện Hồ Chí Minh là dịch và xuất bản bằng tiếng Nga các tác phẩm chưa được dịch của Hồ Chí Minh. Mặc dù thực tế là một số tác phẩm của chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam đã được viết cách đây nhiều thập kỷ, nhưng chúng rất phù hợp với thế giới hiện đại. Theo đó, các bản dịch sang tiếng Nga đang nhận được sự quan tâm sâu sắc.
Viện Hồ Chí Minh là nơi có nhiều tài liệu cập nhật nhất về lịch sử và chính trị Việt Nam hiện đại tại Nga.
Đồng thời, chúng tôi cố gắng làm cho công chúng hiểu rõ những nội dung chính của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó có các bài viết như “Giới tinh hoa Việt Nam làm theo lời dạy của Hồ Chí Minh và Binh pháp Tôn Tử” hay “Lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh giải phóng Việt Nam” của nhà Đông phương học Vladimir Kolotov về Việt Nam hóa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Lịch sử quân sự Việt Nam và những đóng góp quan trọng của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam về truyền thống cũng được giới khoa học hết sức quan tâm. Và chúng tôi cũng đang tham gia tích cực và hiệu quả vào công việc này.
PV: Năm 2021, Viện Hồ Chí Minh có những hoạt động chào mừng ý nghĩa nào nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thưa ông?
GS,TSKH Kolotov: Hãy bắt đầu với sự kiện vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi là nơi đầu tiên ở Liên bang Nga tổ chức hội nghị khoa học về công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông tin về sự kiện này của Viện đã được đăng tải trên trang web chính thức của Đại hội Đảng. Chúng tôi cũng là những người đầu tiên công bố thông tin về tiểu sử của tân Thủ tướng Việt Nam, đồng chí Phạm Minh Chính.
Trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tổ chức một số sự kiện khoa học và văn hóa. Đặc biệt, nhân Ngày Quốc Tổ Hùng Vương, chúng tôi đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu ảnh hưởng của thời đại Hùng Vương đến lịch sử Việt Nam”, với 2 ngôn ngữ trình bày là tiếng Nga và tiếng Việt. Sau đó, chúng tôi cùng tham gia nghi lễ thờ cúng các Vua Hùng, do cộng đồng người Việt tại Sait Petersburg tổ chức.
Đồng thời, chúng tôi tham gia tích cực vào các sự kiện khoa học và văn hóa do các đồng nghiệp Việt Nam tổ chức tại Matxcơva. Ví dụ như tại Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế (MGIMO).
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi cùng phối hợp với cộng đồng người Việt tổ chức một buổi gặp mặt trọng thể và chương trình văn hóa về Hồ Chí Minh và Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Sait Petersburg.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức lễ kỷ niệm đặc biệt này kể từ năm 2010, khi Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Sait Petersburg được thành lập. Ngoài các hội thảo khoa học, chúng tôi cũng thường xuyên đăng tải các phân tích cập nhật về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông của Nga, nhằm thông tin đến công chúng về tình hình Việt Nam hiện đại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng trước tiên cần phải thay đổi hệ thống chính trị và sau đó nền kinh tế thị trường sẽ bắt đầu tự phát triển và “bàn tay vô hình” thị trường sẽ tự đưa mọi thứ vào đúng vị trí của nó. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trước hết cần bảo đảm trật tự, ổn định của hệ thống chính trị, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đồng thời duy trì các đòn bẩy kiểm soát của nhà nước.
Hơn 30 năm trôi qua và chúng ta thấy ai đúng, ai sai.
|
NGUYỄN MINH TUẤN (thực hiện)
Theo https://www.qdnd.vn