Dù chẳng biết tên của người phụ nữ đã giúp đỡ mình trong lúc ngặt nghèo nhưng nhiều bệnh nhân vẫn lưu số điện thoại “đường dây nóng” để giới thiệu cho những ai cần đến.
Hai năm sau chuyến xe cứu thương từ Viện Bỏng quốc gia về đến Nam Định, dù không biết tên họ của người đã giúp mình nhưng ông Trần Quang Định (50 tuổi) vẫn còn lưu giữ số điện thoại “đường dây nóng” ngày ấy đã tận tình đưa ông về đến quê nhà. “Từ hồi đó đến nay ân tình người hiền nhớ mãi” – ông xúc động nói.
Sau tai nạn rơi từ trên cao, đằng đẵng 24 năm trời ông Định chỉ nằm liệt một chỗ, vết thương lở loét khắp người. Gia cảnh khó khăn, nếu không có bà Phan Thị Bính giúp đỡ chở xe cứu thương miễn phí thì gia đình ông không biết phải xoay trở ra sao.
“Người hiền nhớ mãi”
Bà Phan Thị Bính (66 tuổi, ở Hà Nội) – “người hiền” trong câu chuyện ông Định nhắc đến – nở nụ cười đôn hậu, ánh mắt lấp lánh niềm thương chia sẻ về nỗi trăn trở đã theo bà bấy lâu: “Nếu mình có xe chở bệnh nhân miễn phí giúp cho họ về nhà thì hay quá”.
Nghĩ là làm, bà Bính khăn gói vào An Giang học tập mô hình lái xe cứu thương. Ở mảnh đất này, có rất nhiều mô hình thiện nguyện ý nghĩa như xe cứu thương, phát cơm cháo, xây cầu, xây nhà tình thương, nhà thuốc miễn phí… Suốt hai năm, bà bay ra bay vào giữa hai miền Nam – Bắc để học tập kinh nghiệm làm từ thiện.
Cuối năm 2018, bà bàn với con gái bán miếng đất ở Cam Ranh để lấy tiền mua xe, khởi xướng mô hình lái xe cứu thương miễn phí vận chuyển người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn ba năm qua, chiếc xe cứu thương của bà Bính cùng với sự đồng hành của khoảng chục tình nguyện viên như anh Ba Be, anh Vũ, chú Khẩn… đã lăn bánh đưa hàng trăm bệnh nhân về quê nhà khắp dải đất hình chữ S.
“Các trường hợp bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn hoặc người qua đời, dù đưa về bất kể tỉnh nào chúng tôi cũng tiếp nhận hoàn toàn miễn phí. Xe của chúng tôi chủ yếu toàn chở người không có tiền thôi”, bà Bính chia sẻ về “điều kiện” để được hỗ trợ xe cứu thương.
Mới đầu bà đăng tải thông tin trên mạng xã hội, về sau bà liên hệ phòng công tác xã hội ở các bệnh viện và gửi lại số điện thoại để người bệnh biết đến. Bà Bính nhớ mãi cuộc điện thoại của người con trai vừa khóc vừa cầu cứu: “Cô ơi giúp chúng cháu với, nhà cháu ở Cao Bằng mà con chỉ có 3 triệu đồng. Bố cháu sắp chết rồi, bố ở viện chắc không về kịp nhà”.
Đến đón hai cha con, bà chẳng thể quên được ánh mắt của người cha cố gắng ngước nhìn như muốn nói lời cảm ơn mà không thể nói. Xe mới rời thành phố được một lúc thì người cha ra đi.
Có lần bệnh tình của bà trở nặng, nghiêng người lấy điện thoại cũng đau nhức, nhưng có trường hợp gọi điện đến nhờ giúp đỡ đưa một cháu bé vừa qua đời về huyện Mèo Vạc (Hà Giang), bà nén cơn đau gọi liên tục cho các tình nguyện viên lái xe nhờ hỗ trợ.
Đường núi mưa mù, chiếc xe cứu thương bắt đầu lăn bánh từ 8h30 mà đến 3h sáng hôm sau mới đưa được em bé về đến nhà.
“Có lẽ đây là số phận của mình, nằm trên giường cũng nghĩ ngày mai phải làm gì, tỉnh dậy lúc nào là làm việc trên điện thoại luôn, lo liệu chỗ này chỗ kia cần sự hỗ trợ” – bà bày tỏ.
Bà Phan Thị Bính cùng với đội ngũ tình nguyện viên đã vận hành mô hình xe cứu thương 24/24h – Ảnh: HÀ THANH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ