Mang tinh thần và năng lượng tích cực, họ cống hiến cho cộng đồng bằng tất cả những gì mình có. Những câu chuyện của họ – là vệt màu sáng tươi ghép nên bức tranh về khát vọng sống tử tế…
Những câu chuyện rời rạc vẫn thường trở lại khi họ đã về với chuỗi ngày bình thường. Nhưng quãng thời gian “chiến đấu” với sinh – tử vẫn mãi trong lòng, khi hai tiếng Sài Gòn bất chợt rung lên, dù trong khoảnh khắc nào.
Đêm 19.11.2021. Lê Thị Bảo Ngọc (sinh năm 1989) là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đang ở Huế. Cô tắt điện, thắp nến, nhắm mắt trong thanh âm của từng hồi chuông tưởng niệm người mất vì Covid-19.
“Nhưng chỉ được đâu hơn 10 phút. Tôi úp mặt vào tay chạy ra khỏi gian phòng, cũng là vùng vẫy cùng những ký ức với bệnh nhân Covid-19” – Bảo Ngọc kể.
Đêm ấy, những bác sĩ trẻ đã từng làm việc cùng nhau tại Trung tâm Hồi sức tích cực ICU Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh, từ khắp các tỉnh thành cùng nhau hồi tưởng.
“Không một ai mà chúng tôi quên được. Từng người cô, người chú, người phụ nữ mang thai khóc suốt chặng điều trị. Từng gương mặt, từng câu chuyện của họ…” – Bảo Ngọc chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi lắng xuống, giữa một chiều cuối đông của đất Tam Kỳ. Ngọc vừa trở về sau hai tháng rưỡi tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì khăn gói ra Huế để học. Vừa may, những ngày cuối năm cũ, Ngọc nói bây giờ mình đủ tĩnh lặng để sớt chia những cảm xúc mà có lẽ đời này có muốn quên cũng không được.
Những ngày tháng 8.2021, trên mạng xôn xao vì email một nữ bác sĩ gửi cho người phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh. “Em chuyên ngành nội khoa, thời nội trú em cũng có đi hồi sức, đặt nội khí quản, cài đặt máy thở được. Liệu em có thể vào đó không? (…) Sáng nay em nói chuyện với mẹ. Em nói là thời khắc này, em không thể ăn ngon mặc đẹp, đi làm ngày 8 tiếng, về nhà bật điều hòa ngủ được. Em biết sự góp sức của em không là gì, chỉ rất bé, nhưng anh ơi, mỗi cái bé nhỏ mới thành cái lớn được phải không anh?”.
Người phụ trách khi ấy, bác sĩ Lê Minh Khôi nói, email Ngọc như một liều doping với các y bác sĩ lúc đó, để họ mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với Covid-19.
Ngọc nói có những đêm trắng đến sáng, giao ban ca trực, thì có đến 10 trường hợp tử vong. Gần như những ngày ấy trôi qua rất nặng nề trong tầng điều trị cao nhất của Sài Gòn. Bây giờ, Ngọc bảo, nhiều đêm trong giấc ngủ mình, cô còn nghe cả tiếng máy thở, còn mơ hồ bàn tay níu lấy bác sĩ của những bệnh nhân Covid-19 trở nặng…
Khi Ngọc đặt chân vào Sài Gòn được một tuần, thì ở Quảng Nam, một đoàn y bác sĩ tình nguyện – là những người trẻ của các bệnh viện, trung tâm y tế trên toàn tỉnh cũng lên đường vào Nam.
Bác sĩ Nguyễn Khoa Vỹ (sinh năm 1993; công tác tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam) được tin cậy chọn làm trưởng đoàn y tế chi viện cho TP.Hồ Chí Minh. Với 30 y bác sĩ, tuổi đời rất trẻ, họ lựa chọn sống tử tế bằng cách đi vào tâm dịch, tham gia cùng đồng nghiệp săn sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Giữa vùng đỏ, là tuổi xanh, thanh xuân của những người lựa chọn màu áo trắng làm sự nghiệp cuộc đời.
Nguyễn Khoa Vỹ nói, anh cũng như tất cả đồng nghiệp xung phong vào tâm dịch khi ấy, đều mang trong mình tinh thần xung kích của thanh niên, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng vì người bệnh của thầy thuốc.
Và cả tâm thế sẵn sàng cho thời gian công tác kéo dài… Những hành trang đó, giúp từng gương mặt trẻ của Quảng Nam đương đầu với khó khăn của những ngày Sài Gòn bất ổn.
Rất nhiều gương mặt chúng tôi gặp trong thời gian vừa qua. Những người bận áo blouse trắng đều tuổi đời rất trẻ. Họ có thể là Nhung từ Phú Thọ vào, là bác sĩ Huỳnh Hữu Đại từ Sài Gòn ra Quảng Nam chi viện, và rồi là Vỹ, là Ngọc, là Đặng Minh Hiệu…
Họ đều không muốn làm anh hùng, được xưng tụng là anh hùng. Chỉ đơn giản, những người trẻ trong sắc phục trắng của ngành y, đang hết lòng vì công việc của mình. Công việc ấy cho họ niềm hạnh phúc, cho họ nụ cười mỗi khi bệnh nhân ra viện, cho họ cái siết tay thật chặt của những đồng nghiệp dù có thể chưa từng thấy mặt nhau…