Trong tiếng nhạc rộn ràng, ông Lâm Kim Hùng ngồi lặng lẽ nhìn Nguyễn Minh Trí khui chai sâm banh bằng chân. Hôm nay là ngày vui của chàng trai không tay bẩm sinh, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Đại học An Giang.
Đột nhiên ông Hùng giật nảy mình khi nghe ba ruột của Minh Trí gọi tên mình lên sân khấu, đại diện cho nhà trai phát biểu trong lễ cưới. Trong bộ áo dài khăn đóng màu đỏ, người đàn ông 65 tuổi xúc động không kìm được nước mắt, giọng lạc đi trước 300 vị khách mời không quen biết. "Tôi chỉ là ba đỡ đầu của chú rể thôi. Đây là đám cưới mà tôi mong chờ được bởi vì tôi thương thằng Trí quá", ông Hùng nói. Phía sau, vợ chồng Minh Trí đứng sát lại gần, cố gắng trấn an để ông Hùng không khóc.
Ông Hùng có mặt trong lễ cưới của con trai nuôi Minh Trí ở quê Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang ngày 25/10. Ảnh: Minh Trí.
Nguyễn Minh Trí chỉ là một trong số hàng chục người con nuôi của ông Hùng - chủ một quán bún bò ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
"Thằng Trí là đứa đầu tiên tui chủ động đi tìm. Từ trước đến nay tôi chỉ giúp những đứa có tay có chân nhưng khi biết nó là đứa không có cả hai tay từ khi lọt lòng nhưng đã cố gắng ăn học tử tế, tôi có quyết tâm phải tìm nó cho bằng được", ông Hùng bắt đầu câu chuyện.
Đầu năm nay, một đêm nằm lướt Facebook, ông Hùng vô tình xem được đoạn video nói về cuộc sống của cậu sinh viên Minh Trí. "Sau khi xem xong, tôi khóc rưng rức khi nghĩ đến cảnh cậu bé không tay nhưng có thể làm hết mọi việc bằng chân. Những câu hỏi cứ hiện lên trong đầu khiến tôi thức đến sáng: Nó làm sao sinh hoạt? Làm sao mà một năm học xong chương trình hai lớp, lại còn được học sinh giỏi?".
Sáng hôm sau, ông chủ quán bún bò nhờ những người làm của mình đi tìm Minh Trí. Khi tìm được, ông Hùng mới biết Trí đã 28 tuổi, tốt nghiệp được 3 năm và có công việc ổn định ở Bình Dương. Qua câu chuyện, ông biết thêm Trí có người yêu đã 6 năm nhưng chưa dám tổ chức đám cưới, phần vì chưa để dành được tiền, phần vì nhà gái chưa chấp thuận có chàng rể không tay. Lập tức, ông Hùng hứa sẽ lo hết toàn bộ chi phí đám cưới của cả hai nhà, sính lễ và lo cả chi phí học hành cho con cái anh sau này. Ông về quê gặp gỡ hai gia đình để tác hợp cho đôi trẻ. Cuối tháng 10 vừa qua, toàn bộ 30 bàn tiệc nhà trai, 11 bàn nhà gái, trang sức tặng cô dâu... trị giá hơn 100 triệu đều một tay ông Hùng lo liệu.
"Đã hơn một tuần sau đám cưới nhưng cứ mỗi sáng thức dậy, mình vẫn ngỡ mình đang mơ. Nếu không có ba nuôi, không biết lúc nào tụi mình mới về chung nhà", Minh Trí kể.
Với những người quen ông Hùng lâu năm, không ai lạ lẫm với việc này. Lúc trước, quán bún của ông nằm cạnh cơ sở Biên Hòa của Đại học Công Nghiệp nên thường nhận nhiều sinh viên vào làm thêm. Anh Nguyễn Tấn Hưng, 40 tuổi, quê Tây Ninh. người con nuôi đầu tiên của ông Hùng, 19 năm trước đang là sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa đến xin phụ việc. Sau khi biết cha Hưng mất sớm, mẹ đi bước nữa, ba anh em sống ở nhà bà nội, ông Hùng nhận anh làm con nuôi. Ông lo tiền ăn học, đón anh về nhà mình sống, ngày nào nghỉ học phụ quán thì trả tiền lương sòng phẳng. "Nói chung, tôi cần thứ gì thì ba sẽ cho cái đó. Có lần ba hỏi tôi thèm ăn gì. Tôi nói chưa bao giờ được ăn sầu riêng thì ba mua luôn cho hai trái to lắm", người đàn ông 40 tuổi hồi tưởng.
Ông Hoàng Thái, một người hàng xóm và cũng là vị khách quen thường đến ăn tại quán ông Hùng kể: "Lúc trường đại học Công Nghiệp còn đặt cơ sở ở đây, sinh viên đến làm thêm đông lắm. Nhiều lúc đến quán thấy chẳng có khách mà hơn chục đứa sinh viên tranh nhau phục vụ. Sau này mới biết ông ấy tạo điều kiện để sinh viên có việc làm kiếm tiền".
Năm thứ hai, em trai của anh Hưng là anh Nguyễn Tấn Thành cũng trở thành sinh viên năm nhất. Hai anh em sống trong nhà ông Hùng gần 10 năm. "Ba nhận con nuôi đông lắm, tính nên nay phải trên 50 người. Thỉnh thoảng anh em các thế hệ cũng hội ngộ về thăm ba. Ba trở thành người thân của anh em tôi, đám cưới tôi và đám tang bà nội ba đều có mặt cả", anh Hưng chia sẻ.
Ông Hùng nghĩ, sở dĩ mình giúp được nhiều người là do mình không vướng bận vợ con. Ảnh: Diệp Phan.
Ở Osaka, Nhật Bản, Trương Thế Lịch, 28 tuổi, quê Hà Tĩnh tuy mới đi làm chính thức được hơn nửa năm nhưng hàng tháng vẫn gói ghém ít tiền gửi về phụ với ba nuôi để ông giúp đỡ những người em có hoàn cảnh như mình 4 năm trước. Nhờ có ba nuôi, giấc mơ du học của chàng sinh viên nghèo mới thành hiện thực.
4 năm trước, dù đã tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, TP HCM nhưng Lịch vẫn nung nấu giấc mơ sang Nhật du học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông đã lo cho mình 4 năm đại học nên Lịch muốn tự kiếm tiền để sang Nhật. Tết năm 2016, chàng trai quyết định không về quê mà ở lại đi làm thêm, hy vọng sẽ được trả lương cao hơn ngày thường. Lịch tính dành dụm tiền, lúc nào đủ sẽ đăng ký học tiếng Nhật sau đó sẽ vay mượn thêm để đi.
Ban đầu, anh định xin vào làm ở những trung tâm vui chơi giải trí, nhưng nhờ sự giới thiệu của một người quen, Lịch xuống Biên Hòa xin vào làm ở quán ông Hùng. Ban đầu cả hai gọi nhau là ông cháu, phỏng vấn và trao đổi về tiền lương. Sau khi biết được lý do chàng trai không về quê ăn Tết và ước mơ được du học, ông Hùng đồng ý nhận Lịch vào làm. Làm được khoảng một tháng thì nghỉ Tết.
"Ngày đầu tiên mở lại quán, ông gọi mình vào nói chuyện riêng. Ông hỏi mình còn muốn đi du học không, ông sẽ tài trợ tiền học tiếng Nhật và chi phí bước đầu để mình đi", Lịch kể. Dù từng nghe những người làm trong nhà kể về lòng tốt của ông Hùng, nhưng để được sang Nhật du học cần có vài trăm triệu, Lịch không tin vào tai mình khi người vừa nói ra câu đó lại là "người dưng" mà anh chỉ mới quen biết hơn một tháng.
Với sự giúp đỡ của ông Hùng, tháng 4/2016 anh bắt đầu học tiếng Nhật và sang Nhật học ngành máy tính tại trường Senmon vào tháng 10 năm đó. Tổng chi phí ba nuôi đã giúp Lịch hết hơn 200 triệu.
"Một sinh viên không về quê ăn Tết mà ở lại làm thêm, kiếm từng đồng để được đi du học thì còn lý do gì hơn nữa mà tôi không giúp đỡ. Chờ nó bưng bún phụ quán thì biết lúc nào mới đủ tiền", ông Hùng cười, kể.
Thế Lịch sau này đã xin ông Hùng đặt cho mình một lấy cái tên lấy họ Lâm của ba nuôi. Ông Hùng đặt cho anh tên là Lâm Thế Trường. Chữ "Trường" thể hiện tình cảm và sự gắn kết lâu dài giữa hai người. Ảnh: Thế Lịch.
"Tôi không đi kiếm người để giúp mà chỉ giúp những người có duyên gặp gỡ hay đến quán bún mình làm thêm. Tôi không có gia đình nên tiền kiếm ra tôi muốn làm gì thì làm. Một ngày quán tôi bán 500 tô bún lận", ông Hùng kể.
Dù đã từng giúp "đúng người" hàng chục sinh viên, thanh niên nghị lực vượt khó, nhưng cũng có lần ông Hùng giúp lầm người. Hơn ba năm trước, ông Hùng nhận một thanh niên quê Nghệ An làm con nuôi vì thấy cậu chăm chỉ, chịu khó làm việc. Nhưng sống trong nhà một thời gian, có lần cậu thanh niên đem chiếc xe máy của ông Hùng đi cá độ đá banh thua sạch tiền. Sau này mỗi lần thua độ người này đều đến cầu cứu ông Hùng nhưng đến lần thứ 9, ông Hùng từ chối giúp đỡ. "Lần nào giúp tôi cũng tâm niệm rằng có thể đây là lần cuối, nếu lần cuối cùng này mình không giúp thì người ta không còn cơ hội quay lại. Nhưng đến lần thứ 9 thì tôi dứt hẳn, cái tính này chắc ngấm vào người không thể bỏ. Tôi để tiền giúp những người khác xứng đáng hơn", ông Hùng tâm sự.
Ông Hùng chưa bao giờ hối hận hay tiếc tiền vì đã giúp sai người mà chỉ xem đó là một bài học cho mình. Ông tâm niệm: "Nếu đêm về suy nghĩ đến số tiền đã mất, so đo tính toán sợ giúp lầm người thì mình sẽ không thể nào giúp ai khác được nữa. Trời lấy một số tiền này nhưng lại giúp quán bún của tôi đông khách hơn, tôi có thu nhập, tiền tôi có thể kiếm lại được nên không tiếc", người đàn ông nói.
Diệp Phan
(Nguồn Báo VNEXPRESS)